8.2 C
New York
Thứ tư, 11 Tháng mười hai 2024

Buy now

spot_img

‘Nông nghiệp sẽ không loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì’

Tái cơ cấu nông nghiệp “không phải là xác định trồng cây gì, nuôi con gì vì điều này sẽ do thị trường điều chỉnh, quyết định”, theo tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn của VnExpress về những dự định của ông trên cương vị mới.

 Đâu sẽ là công việc ông ưu tiên chỉ đạo trong thời gian tới?

– Nhiệm kỳ 5 năm tưởng là dài, nhưng thế giới biến đổi không ngừng, mọi thứ thay đổi nhanh chóng theo năm, tháng, thậm chí là hàng tuần, hàng ngày. Vì vậy, tôi nghĩ rằng phải hành động ngay, biến những thách thức mới thành lực đẩy, nắm bắt thời cơ kịp thời, huy động nguồn lực tư duy trong và ngoài bộ máy để góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục cất cánh; nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại giàu bản sắc, nâng cao chất lượng sống người nông dân.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ ngày càng cao hơn. Vì vậy, điều đầu tiên tôi quan tâm là nông nghiệp Việt Nam không bị “lỡ tàu”, và chúng ta không đơn thuần đánh giá sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, mà phải dựa vào những giá trị tích hợp, đi vào chiều sâu, có tính bền vững.

Tôi cho rằng phải có những giải pháp để kinh tế tri thức thẩm thấu vào sản xuất nông nghiệp và mỗi nông dân. Nền kinh tế tuần hoàn phải phát triển hơn nữa, biến những phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải được hình thành, thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường.

Tôi kỳ vọng trong tương lai không xa, nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo dựng thành công thương hiệu nông sản sạch, an toàn và chất lượng cao. Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì nỗ lực, mong muốn đơn lẻ của một cá nhân, cho dù là người đứng đầu ngành nông nghiệp sẽ chưa đủ, mà cần sự chung tay, cam kết thực hiện của cả một hệ sinh thái, trong đó có sự tham gia của nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp, viện, trường, nhà khoa học, kể cả truyền thông…

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan . Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan . Ảnh: Giang Huy

– Từng là Bí thư Đồng Tháp, ông sẽ mang những kinh nghiệm thành công của địa phương vào sự phát triển chung của nông nghiệp cả nước như thế nào?

– Cách đây 5 năm, Đồng Tháp đi vào tái cơ cấu nông nghiệp với quan điểm nhất quán: Đây không phải là loay hoay xác định trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu, vì điều này thị trường sẽ điều chỉnh, quyết định. Nhưng dù trồng cây gì, trồng bao nhiêu; nuôi con gì, nuôi bao nhiêu đều dựa trên ba yếu tố cốt lõi là “hợp tác, liên kết, thị trường”.

Hợp tác thể hiện qua việc những người nông dân, cơ sở sản xuất cùng nhau gỡ “nút thắt” manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, hội quán nông dân… Theo đó, những người nông dân không đứng ngoài cuộc, mà được khuyến khích tham gia cùng nhau để tận dụng sức mạnh của số đông, giảm chi phí, tăng chất lượng, ứng dụng được thành quả của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ.

Liên kết là sự kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đó là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào. Những điều này doanh nghiệp lại rất am tường thông qua các kênh đàm phán, nắm bắt thông tin. Khi biết được yêu cầu của thị trường thông qua chia sẻ thông tin, cơ chế liên kết, bà con sẽ chủ động hơn trong sản xuất.

Thị trường quyết định cả bên sản xuất và tiêu thụ, nên người nông dân và doanh nghiệp cần xác định mục tiêu thị trường là ưu tiên hàng đầu. Không thể tối ưu hoá sản xuất khi đầu ra còn mơ hồ, nặng tính đánh đố, lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường.

Cái cốt lõi là chọn được mục tiêu. Mục tiêu trước đây là chú trọng đầu cung, cố gắng tạo sản lượng nhiều hơn vì chúng ta nghĩ rằng sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận của người nông dân càng cao, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không định nghĩa như vậy. Sản xuất ít nhưng chất lượng, giá trị cao hơn, chi phí thấp, thì vẫn có lợi nhuận cao hơn. Ví dự như gạo ST25 so với các giống khác thì năng suất không cao bằng, nhưng giá trị của nó mang lại rất cao.

– Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ theo hướng nào khi không còn xác định “trồng cây gì, nuôi con gì”, thưa ông?

– Chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Quan điểm “nông nghiệp là một ngành kinh tế, chứ không chỉ là sản xuất đơn thuần” sẽ kích hoạt đa dạng phương thức tiếp cận mới, tích hợp giá trị cộng thêm, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị chứ không phải đơn giá trị nữa vì người mua bây giờ mua hàng còn quan tâm đến giá trị, tính tiện ích của hàng hoá, sản phẩm, chứ không phải chỉ ở giá cả. Thị trường đã thay đổi, chuyển từ nhu cầu “ăn cho no” sang “ăn cho ngon”, “ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”. Do đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội. Bên cạnh giải quyết bài toán cho số đông, chúng ta phải đáp ứng theo hướng “cá nhân hoá” các nhu cầu của nhóm người dùng có nhu cầu khác biệt.

Chúng tôi đang giao cho bộ phận nghiên cứu, tạo ra chuỗi ngành hàng trong từng xã, Nhà nước sẽ hỗ trợ người nông dân, các hộ sản xuất, hợp tác xã nhà sơ chế, nhà bảo quản, những công nghệ, kỹ thuật phù hợp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về chủ trương phát triển nền Nông nghiệp “có trách nhiệm”. Video: Giang Huy

– Vai trò của người nông dân như thế nào trong định hướng ông nêu ra ở trên?

– Chúng tôi mong muốn tất cả người nông dân sẽ được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ tập huấn. “Chuyên nghiệp hoá” nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết và giúp đỡ người nông dân phát triển bền vững hơn, hạn chế rủi ro thị trường.

Chúng ta không thể ngay lập tức mà có lộ trình thực hiện. Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện, tập huấn, đào tạo cho bà con nông dân. Đồng Tháp đã mở những lớp huấn luyện như vậy, bà con nông dân được đi học, được biết thế nào là an toàn vệ sinh thực phẩm, quy luật cung cầu, phát triển bền vững, vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường…

Có người sẽ nói “tôi có nhờ nhà nước gì đâu, lời tôi ăn, lỗ tôi chịu, tại sao nhà nước bắt tôi phải làm thế này, thế kia?”. Nhưng nếu như người lái xe phải đi học, sát hạch, thi lấy bằng vì hành động của họ tác động đến an toàn của người tham gia giao thông, người nông cũng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động đến cả môi trường thiên nhiên.

Thực phẩm không an toàn do người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổn hại trước hết là sức khoẻ của chính người sản xuất, sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời làm mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên, tác động đến đa dạng sinh học – đó là tài nguyên quý giá của cả cộng đồng, cho nhiều thế hệ người chứ không chỉ riêng một ai.

Vì vậy, tôi tha thiết mong bà con hiểu được câu chuyện cấp chứng chỉ tập huấn này. Có kiến thức là cách giúp người dân tự bảo vệ mình, làm nông một cách có trách nhiệm, từ đó tạo nên thương hiệu nông sản Việt Nam.

– Là người làm ra sản phẩm, nhưng người nông dân đang yếu thế, được mùa mất giá, đầu ra không ổn định. Ông nói gì về điều này?

– Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định. Muốn vậy, người nông phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại. Nghề nông hiện nay cũng không thể làm theo quy luật thiên nhiên thuận hòa, “trông trời, trông đất, trông mây” nữa, vì nghiệp nông gia đang đối mặt với biến đổi khí hậu như thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tài nguyên nước.

Để tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc thay cho gia tăng tiệm tiến về năng suất, sản lượng, người nông dân phải có tri thức tương ứng với nền kinh tế tri thức. Để tối ưu hoá cuộc sống của mình, người nông dân phải được trang bị kỹ năng thương mại, công nghệ, kỹ thuật sinh học, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Để có thể nâng cao vị thế của mình trong xã hội, người nông dân phải thoát ra cách nghĩ chỉ biết “lấy cần cù bù thông minh”, mà phải tự tin phát triển, khẳng định bản thân, chủ động hoà nhập vào cộng đồng.

Bên cạnh đó, cả hệ thống phải có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nông dân giai đoạn mới. Tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”; “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” cần phải được thay đổi triệt để, vì chỉ khi liên kết với nhau, người nông dân mới không còn rơi vào thế yếu.

Nhà nước cũng sẽ có những giải pháp để xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, “hệ sinh thái ngành hàng”; kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công – nông nghiệp”. Bên cạnh đó, “dữ liệu cung – cầu nông sản” sẽ được thu thập và minh bạch tiến tới hình thành các “sàn giao dịch nông sản” dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hoá.

Khi có dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, người cung ứng và doanh nghiệp tiêu thụ sẽ có điểm gặp nhau về số lượng, giá cả, thời điểm, phương thức thanh toán… Các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cũng dựa trên dữ liệu này để phân tích, điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển, tác động đến thị trường một cách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Ông Lê Minh Hoan 60 tuổi, quê xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.

Ông từng trải qua nhiều chức vụ tại Đồng Tháp như: Phó giám đốc, giám đốc Sở Xây dựng; Phó chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.

Tháng 9/2020, ông làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đến tháng 4/2021, được phê chuẩn làm Bộ trưởng.

Theo VNE

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới