17.8 C
New York
Chủ Nhật, 8 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Dân miền Tây dần thích ứng biến đổi khí hậu’

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời VnExpress về vấn đề biến đổi khí hậu ở miền Tây, trong đó có tình hình hạn mặn đang diễn ra.

– Hiện một số nơi ở miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang… nước đã bị nhiễm mặn, người dân lo lắng đợt hạn mặn khốc liệt khiến 6 tỉnh phải công bố khẩn cấp như năm ngoái lặp lại. Vậy, dự báo hạn mặn năm nay như thế nào, thưa ông?

– Năm nay, theo dự báo mùa hạn mặn sẽ ngang bằng năm 2016 và thấp hơn năm ngoái. Từ đầu mùa, ngành nông nghiệp đã có nhiều cảnh báo và gửi dữ liệu về cho các địa phương nhằm kịp thời thông tin đến người dân. Sau nhiều đợt hạn mặn, tính chủ động của người dân đã được nâng lên. Từ đầu vụ, nông dân đã tìm cách trữ nước vào hầm, ao. Các địa phương cũng đã nạo vét các kênh, mương có sẵn để trữ nước.

Chủ trương chung khi thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu hay hạn mặn, không chỉ có công trình của Nhà nước đầu tư, mà còn cần hành động đồng bộ, chủ động của từng cộng đồng dân cư. Thật ra, người đồng bằng cũng đã thích ứng với việc này suốt quá trình đi mở đất. Từ xưa, mỗi nhà đều đào ao, lấy đất đắp nền nhà, trữ nước ngọt nuôi cá, tưới tiêu. Tuy nhiên, sau nhiều năm, sản xuất tập trung vào sản lượng, trồng lúa quanh năm, có những đê bao quây ở ngoài, nên những ao nước ngọt cũng dần bị lấp đi.

Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu phải từ cấp Trung ương, cấp vùng, cấp địa phương đến cấp cộng đồng dân cư, từ đó cùng san sẻ nguồn lực đầu tư. Ví dụ như ở Trà Vinh năm nay chủ động đẩy mùa vụ để tránh hạn mặn. Ngành nông nghiệp đang tập hợp dữ liệu các đợt hạn mặn những năm trước để xây dựng cơ sở dữ liệu, để có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn. Từ chủ trương nhất quán đó, có thể tối ưu hóa nguồn lực đầu tư theo các cấp độ khác nhau.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan trả lời VnExpress. Ảnh: Hoàng Nam

Thứ trưởng Lê Minh Hoan trả lời VnExpress. Ảnh: Hoàng Nam

– Bốn năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay việc hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết đã đạt được kết quả như thế nào?

– Cái đạt được đầu tiên là chúng ta đã bắt đầu thích ứng chứ không còn ứng phó với biến đổi khí hậu. “Thích ứng” là cách tiếp cận khác với “ứng phó”. Chúng ta thích ứng, mang tính chất thuận thiên, giảm thiểu sự can thiệp một cách thái quá vào hệ sinh thái tự nhiên của đồng bằng. Từ đó thay đổi mô hình sản xuất, canh tác trong nông nghiệp. Ví dụ vùng nào trồng lúa, vùng nào nuôi tôm, vùng nào nuôi cá. Ba vùng ngọt, lợ, mặn, mỗi tiểu vùng cần chuyển đổi mô hình phù hợp; kết hợp giữa đơn canh với đa canh.

Việc chuyển đổi mô hình phù hợp đã thành công bước đầu. Thay vì quây đê lại để không cho mặn vào, nông dân các tỉnh ven biển thích ứng bằng cách chọn lai tạo những giống lúa có thể chịu được độ mặn nhất định. Còn nếu độ mặn cao quá thì nuôi tôm, hoặc đan xen mô hình lúa tôm, lúa cá… Câu chuyện đó vừa thích ứng với biến đổi khí hậu hiện tại, vừa đi đúng theo hướng làm cho hệ sinh thái tuần hoàn trở lại. Nếu trước đây, chúng ta quây đê trồng lúa, vắt kiệt độ phì nhiêu của đất, thì hiện nay sự thay đổi mùa vụ theo tự nhiên sẽ giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao giá trị hạt gạo, của tôm cá, cây ăn trái.

Hiện giá gạo của Việt Nam đã cải thiện trên thị trường thế giới rất nhiều, vì chúng ta đã bỏ tư duy chạy theo số lượng để sản xuất chất lượng. Sản lượng có thể không nhiều, nhưng nếu chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển cách tính chỉ tiêu tăng trưởng đơn ngành, sang chỉ tiêu tăng trưởng tích hợp đa ngành thì sẽ khác.

Ví dụ, trước đây tăng trưởng ngành hàng lúa bằng cách nhân năng suất với diện tích ba vụ ra sản lượng. Còn bây giờ khi đổi sang mô hình lúa đan xen mùa vụ khác, có thể sản lượng lúa không cao, không đứng thứ nhất, thứ nhì nữa, nhưng nếu tích hợp giá trị lúa, tôm, cá thì sẽ cho ra kết quả kinh tế cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Trước đây, do làm lúa tăng vụ, chất dinh dưỡng trong đất suy kiệt, nông dân phải dùng nhiều phân thuốc. Bây giờ khi làm kinh tế nông nghiệp, nông dân phải tính toán lại một cách chi tiết, chính xác chi phí đầu vào.

Mặt khác, có những chi phí khó đoán định, khó tính toán, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như chi phí khắc phục cho việc làm tổn thương hệ sinh thái, sức khỏe của nông dân, thương hiệu của nông sản. Những việc đó Nghị quyết 120 không nói cụ thể, nhưng rõ ràng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sẽ mở ra bao nhiêu dư địa mới cho sự phát triển.

Cái khó nhất trong việc thực hiện Nghị quyết là nguồn lực đầu tư. Vì nhiều nguyên do nên việc cân đối, phân bổ ngân sách chưa được tổng thể, chưa được đồng bộ, gắn kết, kể cả hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi. Cái khó thứ hai là tư duy, tầm nhìn phát triển còn bị giới hạn trong không gian, địa giới hành chính (xã tính theo xã, huyện tính theo huyện, tỉnh tính theo tỉnh). Chúng ta có chủ trương liên kết vùng, nhưng tư duy liên kết, hợp tác chưa thông suốt.

Cách làm nhỏ dễ dẫn đến tư duy hẹp, bị giới hạn trong khuôn khổ, thiếu tính kết nối, đột phá. Tiếp cận không gian kinh tế đủ lớn, các bên sẽ thấy nhiều cơ hội mới được mở ra. Khó khăn ở hạ tầng của đồng bằng hiện nay là nút thắt cần được tháo gỡ, nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc này, mà trước hết cần phải thay đổi tư duy manh mún, thiếu kết nối.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận qua tỉnh Tiền Giang, tháng 1/2021. Đây là một trong những công trình gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho miền Tây. Ảnh: Quỳnh Trần

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận qua tỉnh Tiền Giang, tháng 1/2021. Đây là một trong những công trình gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho miền Tây. Ảnh: Quỳnh Trần

– Để miền Tây phát triển bền vừng, Nghị quyết 120 đặt ra việc tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước mặn, nước lũ là tài nguyên, nhưng nhiều dự án ngọt hóa đang triển khai như cống ngăn mặn Cái Lớn – Cái Bé… Quan điểm của ông thế nào về việc này?

– Thật ra câu chuyện dự án Cái Lớn – Cái Bé từng có một thời gian tranh cãi rất dài, nhưng hiện đã được cho chủ trương, quyết định. Tạm gác qua những tranh luận, điều cần quan tâm không phải bản thân cống, đập, quan trọng nhất là quy trình vận hành của nó. Điều này mới quyết định sự thành công của công trình. Thông tin vận hành cụ thể, chi tiết, chính xác cần được chuyển đến người dân đầy đủ, kịp thời, như lúc mở hay lúc đóng, sẽ có thay đổi, tác động đến môi trường, môi sinh thế nào.

Trong tháng 6 tới, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hoàn thành quy trình vận hành Cái Lớn – Cái Bé cùng hệ thống quan trắc đầu tư kèm theo, theo nguyên tắc công trình chỉ can thiệp khi độ rủi ro thiên tai quá cao. Song song đó, hợp phần “mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình” cũng được triển khai đồng bộ, để hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong vùng.

Tương tự, cần có một chương trình xem xét lại đối với các dự án đê bao ở vùng Đồng Tháp Mười. Vấn đề hiện tại phức tạp, chứ không đơn giản. Chúng ta quây đê để trồng lúa ba vụ với năng suất ổn định. Trong vùng đê bao, nhà cửa được dựng lên, cạnh bên là nơi yên nghỉ của người thân; bây giờ, nếu xả ra, không gian sống sẽ chịu sự xáo trộn, thay đổi lớn. Vấn đề đặt ra là bảo đảm sự hài hòa, không để không gian sống và không gian sản xuất xung đột với nhau. Điều này rất khó, khó nhưng cũng phải làm, không thể nào cứ để như vậy được.

– Miền Tây xuất khẩu gạo chiếm 95%, xuất khẩu trái cây 65% và xuất khẩu thủy sản chiếm 70% cả nước, nhưng hơn 10 triệu nông dân vẫn luẩn quẩn trong vòng được mùa mất giá, được giá thất mùa và điệp khúc giải cứu nông sản. Là người miền Tây, nhiều năm làm lãnh đạo tại đây với nhiều mô hình như “Hội quán nông dân”, “Cà phê doanh nhân”, theo ông, làm sao để giải quyết tình trạng trên?

– Tôi đã đọc quyển Nền kinh tế xanh lam của GS.TS Gunter Pauli, trong đó có nhắc đến 100 ý tưởng đổi mới trên toàn thế giới nhằm thích ứng với hệ sinh thái tự nhiên, khá tương đồng với câu chuyện của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Điểm mấu chốt của các ý tưởng này là tìm ra cơ hội trong khó khăn theo tinh thần “trong nguy có cơ”, để làm được những điều mà trước đây chưa có.

Bây giờ, chúng ta thay đổi trục từ lúa gạo – trái cây – thủy sản sang thủy sản – trái cây – lúa gạo. Sự thay đổi này không phải là không ưu tiên cho ngành hàng lúa gạo. Lúa gạo không đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại là sinh kế của hơn 10 triệu nông dân đồng bằng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cần nhìn nhận chuyện đổi trục này là để cân đối về kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải nghĩ đến những cách tiếp cận mới, ngoài những điều quen thuộc, còn cách làm nào khác hơn, hiệu quả hơn nữa hay không? Tại sao chúng ta lại không dám biến những điều tưởng chừng không thể thành những điều có thể cho đồng bằng?

Chẳng hạn, từ lâu người dân đã biết ủ phân sinh học từ phế phẩm sản xuất, tuy nhiên, vẫn ở chỉ mức độ nhỏ lẻ, chưa tạo ra giá trị cao, chưa liên kết thành ngành hàng. Hay như nấm, nhiều địa phương trồng, từ Bến Tre xuống Vĩnh Long đến Đồng Tháp, Cà Mau, nhưng bản chất là vẫn cứ manh mún. Nếu liên kết lại với quy mô lớn thì có thể khuyến khích những nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tế, như tạo ra giá thể để trồng nấm từ rơm, bả mía, cà phê, phân bón từ ao nuôi tôm, cá tra…, từ đó tạo ra một loại nấm, với nhiều giá trị cộng thêm khác.

Khi liên kết vùng hay đặt nặng liên kết hạ tầng, mà liên kết hạ tầng thì chúng ta nói về giao thông nhiều hơn. Việc đó không sai, nhưng phải xác định từ liên kết không gian kinh tế, từ đó mới quyết định đến hạ tầng. Ví dụ như Hậu Giang trồng khóm, kế bên Kiên Giang cũng trồng khóm, tại sao hai bên không cùng nhau hợp tác làm vùng nguyên liệu đủ lớn. Đồng Tháp có xoài thì Tiền Giang cũng có xoài. Cây có múi thì không phải chỉ Lai Vung (Đồng Tháp) có, mà gần như đã phổ biến cả vùng đồng bằng.

Trước mắt, nếu chưa đủ khả năng quản trị liên kết lớn, chúng ta hãy liên kết nhỏ. Chẳng hạn, Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ cùng liên kết về ngành hàng khóm. Địa phương này có thế mạnh sản xuất, thì địa phương lân cận có thể đảm trách khâu chế biến. Các nhà đầu tư liên kết nhau, hỗ trợ, đẩy ngành hàng lên, mới bền vững. Từ không gian kinh tế tổng thể, sẽ có góc nhìn về hạ tầng rõ ràng hơn, rộng mở hơn. Các câu hỏi: “Dịch vụ logistics vận hành thế nào để giảm thiểu chi phí”, “kho bãi ở địa điểm nào thì thuận lợi”,… sẽ được trả lời thỏa đáng.

Nếu hơn 10 triệu nông dân đồng bằng vẫn sản xuất nhỏ lẻ, thì dù hạ tầng có tốt đến đâu, họ cũng sẽ rất vất vả, khó khăn. Nên tư duy hợp tác từ trong chính quyền cho đến người dân là lúc nào cũng phải sẵn sàng. Mình làm thì phải nhìn xem nhà hàng xóm làm cái gì để cùng hợp tác chứ không phải để cạnh tranh. Cùng một lúc, cùng một vụ mùa, cùng trúng mùa sản lượng như nhau, thì chắc chắn dội mùa, mất giá.

Theo VNE

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới