Cuộc họp thường kỳ tháng 2 của Ủy ban nhân dân tỉnh diễn ra vào sáng ngày 09/3. Tại đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế – xã hội và thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp.
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan rà soát lại các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình được giao thực hiện để bảo đảm tiến độ đề ra; những thuận lợi, khó khăn trong khôi phục và phát triển kinh tế phải được thông tin kịp thời. Các nội dung về đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP; tiêm vắc xin, an ninh chính trị v.v. phải được trao đổi, phân tích và xác định phương hướng trong thời gian tới.
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội trong những tháng đầu năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo do nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng trong những tháng đầu năm; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi và thuỷ sản đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi và lấy lại tốc độ tăng trưởng sau thời gian dịch bệnh.
Tính đến ngày 03/3, số doanh nghiệp thành lập mới là 146 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án, tổng vốn đăng ký 320 tỷ đồng.
Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện như: Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần NovaGroup, Tập đoàn T&T; kết nối hiệu quả với các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu đầu tư như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt v.v..
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đã tổ chức dạy học trực tiếp và duy trì hình thức dạy học trực tuyến đối với học sinh chưa đến trường học trực tiếp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, trong những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp có những khởi sắc, nhất là xuất khẩu xoài sang EU được 11 tấn. Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là xuất khẩu chính ngạch, ông Huỳnh Minh Tuấn chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cần sự vào cuộc của người dân trong chuẩn hóa quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng.
Trong xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến tiêu chí môi trường; sản phẩm OCOP phải tiếp tục được nâng chất, nhất là chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản; tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế hợp tác và tham mưu chính sách phát triển – ông Huỳnh Minh Tuấn đề nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang thống nhất với 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II do Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo; đồng thời đề nghị các sở, ngành tỉnh tập trung triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy và các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành; triển khai hồi phục kinh tế, nhất là các dự án, chính sách hỗ trợ.
Ông Trần Trí Quang đề nghị Sở Y tế phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 (mũi 3); các sở, ngành, địa phương tập trung khôi phục sản xuất gắn với giải quyết việc làm; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án trọng điểm; phân bổ hết vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án; thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh góp ý các dự thảo được trình tại cuộc họp theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tóm tắt dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo kết quả cam kết về triển khai hoạt động khoa học và công nghệ giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; giải pháp phát triển khoa học và công nghệ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022; giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực phi nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 v.v…
Nguyệt Ánh – Cổng Thông tin Đồng Tháp