20.6 C
New York
Thứ Bảy, 14 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Chuyển biến tích cực trong hoạt động kết nối và phát triển du lịch

UBND tỉnh cùng các ngành liên quan đã cụ thể hóa, triển khai, thực hiện từng nhóm công việc liên quan đến hoạt động kết nối và phát triển du lịch (DL). Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về vị thế, tạo dựng xây dựng hình ảnh, định vị sản phẩm, hình thành và mở rộng hoạt động liên kết phát triển DL Đồng Tháp với các tỉnh, thành khu vực và trong nước…

Du khách tham quan trải nghiệm trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp

Tập trung khai thác các thế mạnh của lĩnh vực DL theo lộ trình, UBND tỉnh cùng các ngành đã tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá DL gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương. Các khu di tích, điểm DL trọng điểm của tỉnh đã định vị được sản phẩm đặc trưng riêng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư các trang thiết bị tiện nghi, chất lượng, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp,… Các Khu Du lịch (KDL) đổi mới các tour DL trong đó KDL Tràm Chim với tour DL trải nghiệm mùa nước nổi như trải nghiệm làm ngư dân, thu hoạch lúa ma, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản… Khu di tích (KDT) Xẻo Quít có chương trình trải nghiệm tham quan như: dỡ chà, giăng lưới bắt cá, đua xuồng, cắm trại…

KDL sinh thái Gáo Giồng khai thác thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần. KDT Nguyễn Sinh Sắc – Làng Hòa An xưa đã đưa vào phục vụ lưu trú 8 căn nhà gỗ tại khu Làng Hòa An xưa. Khung cảnh Làng Hòa An xưa được tái hiện đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị trong không gian làng quê Nam bộ đặc trưng. Ngoài ra, KDT Gò Tháp – Đồng Sen Tháp Mười với lợi thế riêng là một trong những điểm đến yêu thích vào dịp cuối tuần của khách DL trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nhiều sản phẩm DL mới được khai thác và đem lại hiệu quả thiết thực như sinh thái; văn hóa – tâm linh và lễ hội; “DL sinh thái – tham quan – nghỉ dưỡng”, “DL sông nước – ngắm cảnh – canh nông – trải nghiệm”, “DL tham quan di tích văn hóa – lịch sử – tâm linh thiền học”; “Một ngày làm nông dân”, “Mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”,… Loại hình DL văn hóa – lễ hội thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Lễ Giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ hội Gò Tháp, Lễ giỗ Ông Bà Đỗ Công Tường, Lễ hội Hoa Sa Đéc, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển DL, góp phần thu hút khách, tạo điểm nhấn riêng.

Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn xổ số kiến thiết, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm DL trọng điểm theo Đề án đã hoàn thành 90% và đưa vào khai thác, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển DL. Các tuyến đường dẫn đến điểm tham quan DL trọng yếu được ưu tiên như: KDT Gò Tháp, KDT Xẻo Quít, KDL sinh thái Gáo Giồng, KDT Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, KDL Văn hóa Phương Nam… Thời gian tới, các sở, ngành tỉnh tiếp tục tham mưu, đầu tư mở rộng đồng bộ cả cầu và đường, mặt đường, nâng tải trọng cầu, đảm bảo các xe đạt chuẩn DL vào tận nơi.

Đến nay, các dự án đầu tư hạ tầng DL tại các khu điểm DL trọng điểm cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ du khách. Cơ sở hạ tầng DL được đầu tư tốt đã tạo điều kiện tốt để du khách tham quan DL tại Đồng Tháp kết nối các tour đường bộ kết nối tất cả các khu, điểm DL trong tỉnh. Đối với đường thủy, tour đường thủy kết nối thành công với các hãng du thuyền khai thác tuyến DL đường thủy dọc sông Mekong và du khách ghé tham quan các điểm DL tại TP Sa Đéc, các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Lấp Vò. Toàn tỉnh có 290 phương tiện vận chuyển khách DL bằng đường bộ và đường thủy do tư nhân đầu tư. Có 8 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 96 cơ sở lưu trú DL do tư nhân đầu tư với tổng số 1.856 phòng. Trong đó có 43 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 – 3 sao với tổng số 1.259 phòng, tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Hoạt động liên kết phát triển DL với các tỉnh, thành trong nước từng bước hình thành và mở rộng, đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang… tham gia vào Cụm liên kết hợp tác phát triển DL phía Đông – Đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 2020 – 2025, UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục xây dựng và triển khai, phát triển tiềm năng, thế mạnh về DL. Trong năm 2021, các ngành liên quan tiếp tục khai thác Làng Văn hóa DL Sa Đéc trở thành điểm nhấn để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Xây dựng phát triển sản phẩm DL đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến DL. Cấp ủy và chính quyền địa phương các huyện, thành phố có định hướng phát triển DL phù hợp với từng địa phương. Chú trọng các mô hình DL văn hóa, DL cộng đồng, DL nông nghiệp và xây dựng sản phẩm DL đặc trưng riêng. Chú trọng tuyên truyền giải pháp trọng tâm, nhất quán, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của DL. Đồng thời nâng cao nhận thức về phát triển DL xanh, chuyển DL từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng doanh thu DL. Phấn đấu đến năm 2025, đón và phục vụ trên 5 triệu lượt du khách. Thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa các loại hình phát triển DL. Ưu tiên các nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển DL phù hợp, đồng bộ với mục tiêu nhiệm vụ trong tình hình mới.

C.P. – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới