8.1 C
New York
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp, nông dân huyện Lai Vung

Trực tiếp xuống cơ sở để gặp gỡ doanh nghiệp, trao đổi với nông dân tại Hội quán, Hợp tác xã để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, là hoạt động thường xuyên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa. Sáng ngày 06/10, hoạt động này diễn ra tại huyện Lai Vung, cùng đi có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Đại diện doanh nghiệp về may mặc tại Khu công nghiệp sông Hậu chia sẻ về hoạt động của đơn vị

Có khoảng 15 doanh nhân có mặt tại Điểm hẹn Cafe Doanh nghiệp, nằm trong Khu Công nghiệp sông Hậu (xã Tân Thành) để cùng thưởng thức cà phê sáng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nhân tại huyện Lai Vung cũng bày tỏ, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những khó khăn và đề xuất hỗ trợ.

Đến nay, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Lai Vung nói riêng đều đã hoạt động trở lại. Bên cạnh gia tăng sản lượng, công suất hoạt động, khó khăn chung của các doanh nghiệp là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu lao động, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư, thông tin thị trường v.v.. Những nội dung này đã được lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung giải đáp và có sự kết nối để hỗ trợ nhiều hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cảm ơn các doanh nhân đã mạnh dạn đóng góp ý kiến, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu trong lãnh đạo, điều hành

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nhân trong thời gian qua, nhất là đã vượt qua nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 và có bước khởi sắc trong khôi phục sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.

Những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, giao thông v.v. của tỉnh trong 9 tháng đầu năm và những định hướng lớn của tỉnh: Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, cũng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin đến doanh nghiệp.

Cùng với sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn các doanh nhân tính toán lại chiến lược để thu hút lao động, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm; đồng thời, tiếp tục khẳng định thương hiệu “Doanh nhân Đất Sen hồng” với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, vượt qua mọi khó khăn, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động để tạo sức bật mới, đạt thành công cao hơn nữa.

Tại xã Hòa Thành và xã Tân Dương (huyện Lai Vung), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đến thăm 02 đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng. Đó là Hội quán Hoa kiểng xã Hòa Thành và Hợp tác xã dịch vụ Hoa kiểng Tân Dương.

Đại diện Hội quán Hoa kiểng xã Hòa Thành tặng sản phẩm bonsai linh sam cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Hội quán Hoa kiểng xã Hòa Thành được hình thành vào năm 2018, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ trồng cây kiểng trên địa bàn xã, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao tay nghề trồng kiểng. Trước đó, trên địa bàn xã đã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành. Hội quán có 53 thành viên, hiện sản xuất hoa kiểng với diện tích 115 ha, các loại kiểng chủ yếu như: Hoa mai, linh sam, bông trang, hoa giấy, kiểng lá.

Để phát triển nghề trồng hoa kiểng, Hội quán kiến nghị lãnh đạo tỉnh, huyện Lai Vung hỗ trợ địa điểm để trưng bày sản phẩm hoa kiểng, kết nối đầu ra sản phẩm, nhất là xuất khẩu; kết nối với các nghệ nhân có tay nghề cao để hướng dẫn nông dân kỹ thuật tạo dáng bonsai; phát triển sản phẩm hoa kiểng Hòa Thành lên sản phẩm OCOP của tỉnh, xây dựng website v.v..

Về giống cây trồng, kỹ thuật tạo dáng, đăng ký sản phẩm OCOP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho Hội quán. Đối với xây dựng website cho Hội quán để quảng bá sản phẩm, tham gia các phiên hội chợ, triển lãm, đây là việc rất cần thiết – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh và giao Sở Công Thương quan tâm đến đề nghị này của Hội quán.

Bên cạnh học tập, nâng cao tay nghề từ các nghệ nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho rằng, từng thành viên trong Hội quán cần chia sẻ và học tập lẫn nhau để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hoa kiểng Hòa Thành trong thời gian tới.

Sản xuất chậu nhựa trồng hoa kiểng của Hợp tác xã được đánh giá khá hiệu quả sản phẩm cung cấp cho nhiều thị trường, kể cả xuất khẩu

Đến Hợp tác xã dịch vụ Hoa kiểng Tân Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các đơn vị rất phấn khởi với các dịch vụ của hợp tác xã và hiệu quả mang lại cho thành viên.

Phát huy lợi thế giáp ranh với làng hoa kiểng Sa Đéc, xã Tân Dương ngày càng mở rộng diện tích trồng hoa kiểng. Riêng Hợp tác xã dịch vụ Hoa kiểng Tân Dương đến nay có 220 ha chuyên sản xuất hoa kiểng. Cùng với đó là các dịch vụ như: Cung cấp phụ liệu trồng hoa kiểng, vật tư nông nghiệp, sản xuất chậu nhựa trồng hoa kiểng, giống cây trồng. Các dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và doanh thu, lợi nhuận cho hợp tác xã.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao hoạt động của hợp tác xã và sự điều hành của Ban Giám đốc, đồng thời khẳng định quyết tâm đưa ngành hàng hoa kiểng Đồng Tháp ngày càng phát triển, đúng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức Festival hoa vào năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, tham quan mô hình trồng hoa kiểng để nhà vườn được học hỏi, nâng cao tay nghề hơn nữa.

Đối với các kiến nghị của hợp tác xã về lắp đặt trạm biến áp 3 pha, đầu tư trang thiết bị, vay vốn, xây dựng nhà kho và văn phòng, đăng ký nhãn hiệu v.v. đã được người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho ý kiến và đề nghị huyện Lai Vung, các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ cùng hỗ trợ.

Nguyệt Ánh – Cổng Thông tin Đồng Tháp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới