Hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe. Trước xu hướng đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân trồng rau trong tỉnh bắt đầu áp dụng phương pháp trồng rau hữu cơ. Mô hình bước đầu mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.
HIỆU QUẢ VỚI MÔ HÌNH TRỒNG RAU HỮU CƠ
Đến thăm vườn rau hữu cơ hơn 1.000m2 của anh Nguyễn Văn Đở (SN 1967) ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, chúng tôi thật sự cảm nhận được tâm huyết của người nông dân này khi lựa chọn đi theo con đường sản xuất rau sạch. Anh Đở có hơn 5 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề trồng rau nhưng để chuyển từ canh tác rau quy trình cũ sang trồng rau theo hướng hữu cơ là cả một quá trình, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu canh tác theo mô hình rau hữu cơ của Tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) phối hợp với Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, vườn rau của anh Đở phải vượt qua nhiều vòng khảo sát gắt gao của ngành nông nghiệp và Tổ chức Seed To Table. Vòng đầu tiên, anh Đở phải gửi mẫu đất và nước tưới để xét nghiệm. Nếu mẫu thử cho kết quả hàm lượng kim loại trong đất vượt mức cho phép hoặc nước bị nhiễm Ecoli thì không đủ điều kiện tham gia mô hình. Sau khi vượt qua “cửa” thứ nhất, anh Đở sẽ được Tổ chức Seed To Table hướng dẫn thiết kế khu vườn đảm bảo điều kiện để sản xuất rau hữu cơ.
Theo đó, xung quanh khu vực trồng rau là hàng rào đệm được trồng cỏ để ngăn các chất vô cơ của đất liền kề xâm nhập. Cách hàng rào đệm phải dành ra một diện tích đất trồng nhiều loại hoa nở nhằm thu hút côn trùng để chúng không gây hại rau. Về hạt giống, anh được yêu cầu không sử dụng hạt giống biến đổi gen và hạt trước khi gieo không được ngâm hóa chất. Trong quá trình chăm sóc rau hữu cơ, hoàn toàn không được sử dụng phân, thuốc hóa học. Mặt khác, khâu diệt cỏ phải được nhổ bằng tay. Về phòng trừ sâu bệnh hại rau, chủ vườn chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học ngâm ủ từ các thảo mộc tự nhiên (gừng, tỏi, ớt ngâm cùng với rượu)…
Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau xanh mướt, anh Đở hồ hởi khoe: “Tôi vừa xuất bán liên tiếp 3 đợt rau cho khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh với mức giá cao gấp đôi so với các kênh tiêu thụ truyền thống. Chưa bao giờ rau của tôi lại có giá như vậy. Với hơn chục loại rau quả vẫn không đủ đáp ứng cho khách hàng. Tôi nhận thấy, việc trồng rau hữu cơ vất vả thật nhưng bù lại mình thấy vui vì cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Quan trọng hơn khi sản xuất hữu cơ cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân yêu trong gia đình”.
Hiện anh Nguyễn Văn Đở là một trong những nhóm nông dân đầu tiên của Đồng Tháp tham gia dự án sản xuất rau hữu cơ do Tổ chức Seed To Table hỗ kết nối tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ tại TP.Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ Tổ chức Seed To Table, hiện tổ chức đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, đầu mối có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ. Khi tham gia dự án này, nông dân có thể an tâm về vấn đề đầu ra nông sản.
PHÁT TRIỂN VƯỜN RAU HỮU CƠ PHỤC VỤ DU LỊCH TRẢI NGHIỆM
Hiện nay, mô hình không chỉ dừng lại phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm sạch, nhiều nông dân còn phát triển vườn rau hữu cơ để phục vụ nhu cầu du lịch trải nghiệm. Anh Lê Thanh Phong – Chủ điểm du lịch Xưa, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Sau khi được một số anh em giới thiệu về dự án phát triển rau hữu cơ của Tổ chức Seed To Table, tôi thấy mô hình này rất hay, phù hợp với định hướng phát triển du lịch trải nghiệm của gia đình. Hiện nay, du lịch trải nghiệm khám phá văn hóa bản địa đang trở thành xu hướng của ngành “công nghiệp không khói”. Do đó, bên cạnh các sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa địa phương, tôi cũng muốn giới thiệu đến khách du lịch của mình về những kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững, để từ đó giúp du khách có thể hiểu và ý thức hơn trong việc sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Hiện vườn rau hơn 1.000m2 của anh Phong đang bắt đầu xuống giống vụ rau mới, các loại rau màu được anh Phong lựa chọn gieo trồng chủ yếu thuộc các nhóm rau bản địa như: rau tía tô, rau thơm, bầu, mướp… Với sự ưu việt của mô hình, hiện nay, có rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang phát triển và nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ.
Chia sẻ về định hướng phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại Đồng Tháp, bà Ino Mayu – Trưởng đại diện Tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) thông tin, hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Với sự phát triển của cuộc sống, khi chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình Việt ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn và có chứng nhận hữu cơ. Đặc biệt, hiện nay, hoạt động du lịch đang được kết nối lại, nhu cầu sử dụng rau hữu cơ tại các nhà hàng bắt đầu tăng mạnh, đây cũng là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ. Đối với vấn đề tiêu thụ, Seed To Table cam kết sẽ tạo điều kiện để kết nối với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể để tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ của địa phương”.
Theo bà Ino Mayu, bên cạnh những mặt tích cực thì việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân vẫn còn một số hạn chế, tính kết nối, hợp tác giữa các nông dân với nhau còn khá yếu. Điều này, gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm rau hữu cơ của Đồng Tháp. Để xây dựng thương hiệu rau hữu cơ của Đồng Tháp và giúp người nông dân đi đường dài với mô hình này, nông dân cần hợp tác để tạo thêm sức mạnh, từ đó sẽ giúp cho sản phẩm rau hữu cơ của Đồng Tháp cạnh tranh, vươn xa hơn.
MỸ LÝ