18.2 C
New York
Thứ Hai, 7 Tháng Mười 2024

Buy now

spot_img

Tìm giải pháp cho cây sen Tháp Mười

Sen là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu của huyện Tháp Mười và được cấp nhãn hiệu chứng nhận sen Tháp Mười từ năm 2016, tuy nhiên đến nay, Tháp Mười vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị của nhãn hiệu sen Tháp Mười. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân, những năm gần đây, diện tích sen Tháp Mười giảm mạnh, vì vậy huyện đang  thực hiện nhiều giải pháp để tăng lại diện tích trồng sen.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, năm 2020, diện tích sen trong huyện Tháp Mười gần 700ha, giảm hơn phân nửa so với các năm trước, nguyên nhân do giá sen không ổn định và tình trạng sen bị bệnh thối ngó nên nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Trước tình trạng trên, Tháp Mười đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các sở, ngành tỉnh thực hiện Đề tài khoa học phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn – sản phẩm sen giúp huyện có góc nhìn đa dạng hơn về phát triển sản phẩm cũng như du lịch từ sen, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Ông Nguyễn Ngọc Thương – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, điều kiện và tiềm năng để phát triển cây sen ở Tháp Mười là rất lớn, vì hình ảnh cây sen đã gắn với Tháp Mười và Tháp Mười cũng đã xây dựng được khu du lịch cộng đồng đồng sen với cánh đồng sen bạt ngàn tiếp giáp với Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Gò Tháp đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Vì vậy, Tháp Mười phải có kế hoạch phát triển cây sen toàn diện và lâu dài, về vấn đề này phải có sự liên kết, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu có quy mô lớn hơn và cần đầu tư một số hạng mục công trình, trong đó có Gò Tháp, vấn đề đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, môi trường, vấn đề giống, lưu vụ, giải quyết mần đất bị thoái hóa, đặc biệt là giống sen.

Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho cây sen, Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen, diện tích 300ha với nhiều phân khu như: phục vụ du lịch, cung cấp nguồn nguyên liệu sen, xây dựng làng nghề rút sợi tơ sen… Huyện đã kêu gọi doanh nghiệp và khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ sen, hiện tại, Tháp Mười có 2 công ty và nhiều cơ sở sản xuất, nghiên cứu sản xuất đa dạng các sản phẩm, từ làm dược liệu, thực phẩm đến các loại mỹ phẩm từ sen… Trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, Tháp Mười đã có 6 sản phẩm từ sen được đánh từ 3 – 4 sao, vì vậy nhu cầu sen nguyên liệu của các đơn vị này tương đối ổn định. Đầu ra cho cây sen đã có, nhưng diện tích sen vẫn không tăng do chưa có biện pháp phòng trị bệnh chạy dây và thối ngó hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Bằng ở ấp 1, xã Tân Kiều, gắn bó với nghề trồng sen gần chục năm cho biết, ông và những hộ lân cận trồng sen gần 10 năm, nhưng hơn 3 năm nay do sen bị bệnh, nhiều hộ thua lỗ nên đã chuyển sang trồng lúa, là người có nhiều tâm huyết với cây sen, ông đã cố gắng duy trì trồng xen canh và nuôi cá nhưng vẫn không duy trì được diện tích.

Ông Bùi Văn Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tháp Mười cho biết, ngành đã phối hợp với một số đơn vị, trường đại học nghiên cứu cách phòng trị bệnh nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Hiện tại, ngành đang thực hiện mô hình trồng để rút kinh nghiệm và từng bước xây dựng quy trình trồng phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, địa phương đang vận động các hộ trồng sen và các điểm du lịch thành lập Hội quán để có ngôi nhà chung cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, kinh nghiệm làm du lịch. Trước mắt, ngành cũng khuyến cáo các hộ trồng sen một số giải pháp như: trồng theo hướng luân canh, chọn giống tốt và sạch, cải tạo đất, quản lý nước, thường xuyên thăm đồng để có hướng điều trị kịp thời.

Thúy Ly – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới