Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Càng ngẫm nghĩ về lời nhắc nhở của ông bà mình, càng cảm nhận ý tứ sâu sắc qua hai chữ “học hỏi” – muốn “học” phải “hỏi”. Hỏi cho rõ nguồn cơn, để tường tận việc này việc kia xuất phát từ đâu và sẽ đi về đâu. Hỏi để khám phá những điều chưa biết, chưa được vươn tới trong một thế giới bao la. Hỏi để tìm hiểu bản chất bên trong và hình dung những mối dây liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Những câu hỏi đúng sẽ mở ra hành trình đi đến giải pháp đúng và hành động đúng.
Những câu hỏi hay giúp con người khám phá những điều sâu thẳm bên trong nội tâm, rồi từ đó đánh thức những khả năng còn tiềm ẩn, kích hoạt thành hành động. Những câu hỏi hay giúp con người, từ cảnh hồng hoang, ăn lông ở lỗ, vươn tới những vì sao trong vũ trụ bao la. Những câu hỏi hay đưa con người đi vào thế giới tri thức, khơi gợi khả năng đổi mới, sáng tạo nên những phát minh hữu ích, mới mẻ, làm thay đổi cuộc sống hàng tỷ cư dân trên thế giới.
Khi còn bập bẹ những câu nói đầu đời, trẻ con đã bắt đầu đặt những câu hỏi, thường xuyên tò mò, liên tục thắc mắc, đến nỗi nhiều bậc phụ huynh đôi khi vừa bất ngờ thú vị, vừa thiếu kiên nhẫn để trả lời cặn kẽ. Ấy vậy mà khi con người lớn dần lên, thì lại thưa vắng những câu hỏi. Học sinh, sinh viên ít đặt câu hỏi với thầy cô, vào lớp học thường chỉ nghe lời truyền đạt kiến thức một chiều từ giáo viên, giảng viên. Tại các hội nghị, hội thảo, người trình bày, báo cáo viên ít khi nhận được câu hỏi từ người tham dự, nhiều buổi thuyết trình kết thúc trong im lặng. Nhân viên ít dám đặt câu hỏi cho cấp trên, mà chỉ thực hiện theo phân công, mệnh lệnh. Hầu như mọi người đều chấp nhận thông tin, kiến thức một chiều, mà chưa đào sâu suy nghĩ, quan sát vấn đề ở nhiều chiều kích, góc độ khác nhau. Tư duy phản biện cứ thế bị mai một dần.
Không đặt câu hỏi nghĩa là chấp nhận mọi chuyện đã đâu vào đấy. Không đặt câu hỏi nghĩa là không còn muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Không đặt câu hỏi nghĩa là tự bằng lòng với hiểu biết còn nhiều giới hạn. Sự vật, sự việc, hiện tượng luôn vận động không ngừng. Vô vàn điều sâu lắng ẩn khuất bên trong, chứ không chỉ biểu hiện ở vẻ bên ngoài. Điều mình đã biết là hạt cát, điều mình chưa biết là cả đại dương.
Hãy khởi đầu từ những câu hỏi. Vì sao cùng một khả năng, điều kiện như nhau, mà có người giàu, lại có người nghèo, có người thành công lại có người thất bại? Vì sao người ta làm được, mà mình không làm được? Vì sao cùng một mức sống, mà có người hạnh phúc, có người lại bất hạnh? Vì sao có người trên gương mặt lúc nào cũng rạng ngời, mà lại có người trong ánh mắt luôn trầm buồn, u uất?
Hãy khởi đầu từ những câu hỏi. Vì sao cùng một cơ chế chính sách như nhau, mà có địa phương vượt lên phía trước, có địa phương tụt lại phía sau? Vì sao cùng một bầu trời, một mặt đất, mà có nơi thịnh vượng, có nơi lại nghèo khó? Vì sao cùng chừng đấy nhân lực, mà có tổ chức phát triển mạnh mẽ, có tổ chức lại rơi vào trì trệ? Vấn đề nằm ở nguyên nhân chủ quan – tư duy của con người của hay bởi điều kiện khách quan, lý do, hoàn cảnh bên ngoài?
Hãy bắt đầu từ những câu hỏi. Trong một xã hội vận động không ngừng thì đâu là động lực cho sự phát triển: tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn vật chất hay nguồn vốn con người? Nguồn lực hữu hình hay nguồn lực vô hình có tiếng nói quyết định? Trong cá nhân mỗi người, yếu tố nào quyết định sự thành công: kiến thức, kỹ năng hay thái độ? Giữa trình độ và thái độ, điều gì quan trọng hơn? Và thành công nên được đánh giá dựa trên yếu tố nào: sự giàu có, chức phận, vị trí xã hội hay tinh thần dấn thân, lòng đam mê, khát khao cống hiến?
Kỹ năng đặt câu hỏi góp phần cho việc lãnh đạo thành công. Hiểu rõ, hiểu đúng thời điểm, địa điểm, lý do và cách thức đặt câu hỏi có thể giúp nhà lãnh đạo tăng cường mối quan hệ với các cộng sự, xây dựng đội ngũ mạnh mẽ, tạo ra văn hóa học hỏi hăng say, hỗ trợ thay đổi chiến lược, định hướng dài hạn. Mà không chỉ hỏi một lần “tại sao như vậy” mà cần tiếp tục hỏi nhiều lần. Tại sao? Tại sao? Rồi lại tại sao? Mỗi lần trả lời tại sao là mỗi lần đi vào bản chất, cốt lõi của vấn đề, từ đó có giải pháp đúng, hành động chuẩn xác.
Đối với bất kỳ công việc nào, mỗi người chúng ta nên đặt ra những câu hỏi về mục tiêu, ý nghĩa, cách thức thực hiện hiệu quả, tối ưu. Người nông dân cần biết đặt câu hỏi, để biết, để hiểu về nhu cầu của thị trường, về tối ưu hoá chi phí sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng, về cách thức sản xuất sạch, an toàn, bền vững, về tạo dựng niềm tin yêu với người tiêu dùng. Người kinh doanh cần biết đặt câu hỏi, để hiểu về cách giới thiệu, tiếp thị, về việc tìm kiếm, tiếp cận các thị trường mới, tiềm năng. Người trí thức cần biết đặt câu hỏi, để tri thức của mình được lan toả ra cộng đồng. Nhà khoa học cần biết đặt câu hỏi, để những kết quả nghiên cứu được ứng dụng, đóng góp vào sự tiến bộ, văn minh của xã hội?
Nối tiếp mỗi câu hỏi, luôn có những câu trả lời, đáp án khác nhau. Nối tiếp mỗi câu hỏi, không chỉ là dừng lại ở việc tìm kiếm câu trả lời, đi đến giải pháp thoả đáng. Nối tiếp mỗi câu hỏi, nhiều câu hỏi hay, sâu sắc, day dứt lại tiếp tục được khơi gợi thêm. Vậy nào hãy bắt đầu đặt câu hỏi đi nhé!