20.6 C
New York
Thứ Bảy, 14 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm

Mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng của tỉnh vẫn tăng 16,86%, đây là tín hiệu khả quan cho kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý IV cũng như cả năm 2021.

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 12,21%

Nhìn lại tác động của dịch Covid-19 đến bức tranh kinh tế tỉnh

Đánh giá về bức tranh kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế địa phương.

Cụ thể, sự bùng phát và lây lan nhanh của dịch bệnh ở nhiều địa phương và trong các khu, cụm công nghiệp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN ) phải ngưng hoạt động do không đảm bảo điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” (chiếm hơn 65%) hoặc thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh (giảm hơn 45 – 50% so với trước). Ngoài ra, nguồn cung nguyên, phụ liệu, bao bì… phục vụ cho hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất, duy trì kho lạnh, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, chỉ một số ngành, lĩnh vực còn duy trì được hoạt động nhưng hiệu quả và tốc độ tăng trưởng thấp.

Việc sản xuất bị đình trệ, lưu thông khó khăn khiến chỉ số tiêu thụ ngành chế biến chế tạo giảm mạnh, trong khi chỉ số tồn kho một số ngành tăng cao so với cùng kỳ đã ảnh hưởng đến giá trị sản xuất toàn ngành. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của các DN, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8 một số sản phẩm không có sản lượng sản xuất như thuốc lá điếu, bia, một số loại áo quần; các sản phẩm còn lại tuy còn sản xuất nhưng sản lượng đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, 9 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ các bộ phận của dày dép bằng da sản xuất tăng 58,16% thì các sản phẩm còn lại đều có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hai sản phẩm chủ lực là cá phile đông lạnh giảm 15,94%, thức ăn thủy sản giảm 14,65%.

Tất cả các tác động này đã kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp của ngành sụt giảm mạnh. Cụ thể, 9 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp giảm 1,89% so với cùng kỳ năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 69.420 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm

Sản xuất sẽ khả quan trong những tháng cuối năm

Mặc dù vậy, một dấu hiệu khả quan là xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 762,12 triệu USD, tăng 16,86% so với cùng kỳ năm trước (hầu hết các mặt hàng đều có giá trị xuất cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: thủy sản tăng 12,21%; bánh phồng tôm tăng 0,97%; sản phẩm may tăng 107,39%; riêng mặt hàng gạo giảm 6,43%.

Theo nhận định của Sở Công Thương, kinh tế – xã hội của tỉnh 3 tháng còn lại sẽ còn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2021 khoảng 2,5 – 3,5%, lấy mức cao nhất làm mục tiêu phấn đấu. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp tăng 3,38%; lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng 3,33%. Thời gian tới, ngành công thương sẽ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN; hỗ trợ DN tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại như: xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới…

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, hiện nay đã có 223 DN đã phục hồi sản xuất, 11 DN chuẩn bị phương án tái khởi động trở lại. Đây cũng là một tín hiệu khả quan để tỉnh kỳ vọng trong quý IV sẽ có mức tăng trưởng khá. Mục tiêu của ngành đến hết quý IV sẽ có hơn 400 DN tái hoạt động trở lại, với quy mô 45.000 lao động.

Tại cuộc họp về phục hồi phát triển kinh tế những tháng cuối năm, các đại biểu cho rằng, nếu thực hiện tốt các biện pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ giúp tăng trưởng phục hồi và tốt hơn trong quý IV cũng như cả năm 2021.

Để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế 3 tháng cuối năm, phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công Thương vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn yêu cầu Sở Công Thương cần tập trung cao nhất trong 3 tháng còn lại của năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh vẫn là phải tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được. Đồng thời chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

MN – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới