Sáng 25/3, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình phát triển doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng phát triển 2021 – 2025 và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Nhắc lại quan điểm xuyên suốt: Xem doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khẳng định, thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn nỗ lực đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành các cấp, các ngành cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kiên trì xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Kết quả, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh có 2.684 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26% so với giai đoạn 2011 – 2015. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 4.244 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, tăng khoảng 53% so với năm 2015. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%.
Từ năm 2015, Đồng Tháp đã phát động chương trình khởi nghiệp hướng đến xây dựng cộng đồng khởi nghiệp mang lại hiệu quả, qua đó đã khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong cộng đồng xã hội, với định hướng đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, mặc dù đã đạt nhiều kết quả nổi bật, song hoạt động phát triển doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế như: Sự quan tâm và phát triển doanh nghiệp không đồng đều ở các địa phương; doanh nghiệp có sự phát triển không lớn, thành lập nhiều nhưng tỷ lệ giải thể cao; cơ sở sản xuất ngại vươn lên thành lập doanh nghiệp v.v. cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương không tự bằng lòng với kết quả hiện tại, mà cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn để phát triển doanh nghiệp. Trong đó, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp tục củng cố và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, góp phần quan trọng giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người dân.
Tập trung thực hiện các giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp, quyết tâm không để Đồng Tháp tụt lại phía sau – người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển; triển khai đồng bộ Chương trình khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển doanh nghiệp, hình thành lực lượng doanh nghiệp mới.
Cùng với đó là phát động phong trào thi đua sôi nổi, xem sự phát triển về số lượng và chất lượng doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá sự phát triển thực chất ở các địa phương – ông Phạm Thiện Nghĩa chốt lại.
Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đề ra mục tiêu phát triển thêm 3.050 doanh nghiệp (bình quân hàng năm phát triển mới khoảng 610 doanh nghiệp), nâng tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động đến năm 2025 tương ứng khoảng 5.300 doanh nghiệp.
Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp