Một nhóm nghiên cứu của Đại học Indonesia ở Depok đã tìm ra cách xử lý bã cà phê thành than chì, một loại carbon, để biến chúng thành vật liệu chế phần cực dương trong pin xe điện.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Anne Zulfia Syahrial, cho biết, pin lithium-ion của họ được làm từ lithium titanate oxide (LTO), có khả năng tạo ra dòng điện ổn định hơn so với pin lithium graphite được sử dụng trong hầu hết các xe điện hiện nay.
Pin lithium graphite sử dụng trong các xe điện hiện nay nặng khoảng 500kg, trong khi pin LTO chỉ khoảng 300kg. Pin LTO chỉ cần 30 phút để sạc đầy, trong khi đa số các pin xe điện hiện nay cần đến 2 giờ. Ngoài bã cà phê, nhóm nghiên cứu cũng xử lý gáo dừa thành carbon (than) hoạt tính, để dùng cho cực dương của viên pin.
Theo Channel News Asia, ý tưởng sử dụng bã cà phê, rác thải nhựa, gáo dừa xuất hiện với mong muốn góp phần giải quyết các vấn nạn về rác thải của Indonesia.
Sử dụng bã cà phê không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn đảm bảo về môi trường, do việc đun nóng bã cà phê để chế tạo pin không cần nguồn nhiệt quá lớn so với các vật liệu bình thường khác.
Việc tận dụng những vật liệu tái chế hoặc vật liệu sinh học để tạo nên các viên pin xe điện hiện đang là một trong những xu hướng khoa học thịnh hành hiện nay, nhằm đáp ứng những yêu cầu trong thay đổi nhận thức về lối sống bảo vệ và thân thiện với môi trường.
Theo KHÁNH HƯNG (SGGPO)