7.9 C
New York
Thứ tư, 11 Tháng mười hai 2024

Buy now

spot_img

Khơi nguồn cảm hứng bất tận từ sen

Đồng Tháp xưa nay nổi tiếng với không ít nguồn tài nguyên bản địa, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cây sen. Nếu như trước nay, đa phần người nông dân trồng sen đơn giản chỉ là bán bông, gương sen, ngó sen, hay trà sen… thì nay, các startup tại Đồng Tháp đã chế biến sen thành hơn 20 mặt hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Và chưa có dấu hiệu dừng lại trong suy nghĩ của thế hệ trẻ về những giá trị chưa được biết đến của Đất Sen hồng.

Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái từ cây sen. Ảnh: Lê Thành Trí

Tơ tằm đến tơ sen

Ông Nguyễn Huy Thắng – Viện Kinh tế Sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tin rằng, Dự án Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuốn lá sen và chuỗi hoạt động đào tạo nghệ nhân rút sợi tơ từ cuống sen (do Viện Nghiên cứu Sinh thái thực hiện tại huyện Tháp Mười) để dệt tơ sen thành lụa như Myanmar sẽ thành công. Huyện Tháp Mười đã cử người thuộc dự án để sang Myanmar học hỏi kinh nghiệm dệt tơ sen rồi về tập huấn lại cho người sản xuất. Anh Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công (TP Cao Lãnh) đã ứng dụng công nghệ cao với ý tưởng sen bất tử để biến hoa sen, lá sen thành tác phẩm nghệ thuật. Sen Đồng Tháp giờ đây không chỉ bán gương, lấy ngó; mà còn có thể khai thác thân, lá làm trà, thức ăn, nước uống, làm mỹ phẩm…

Vừa qua, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Trong 3 năm, dự án đã tổ chức 16 khóa tập huấn và đào tạo cho hơn 1.000 nông dân tại 3 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Long An. Trung bình người nông dân có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn so với trước đây khoảng 25-150% từ các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi.

Tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, người dân đã được tập huấn kéo miết tơ sen lấy sợi và kiến thức về kỹ thuật trồng sen. Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười thông tin, ước mỗi hecta sen có thể tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp, 4 lao động gián tiếp. Đồng thời, mô hình này giúp người dân có sinh kế trong mùa nước, tăng thêm thu nhập… Bên cạnh những lợi ích về kinh tế- xã hội, các mô hình còn góp phần hỗ trợ cho chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng khả năng trữ nước ngọt. Dự án lan tỏa thêm 31 hộ trồng mới với 100ha sen. Doanh nghiệp quan tâm đầu tư chế biến sen phát triển mạnh như Công ty Khánh Thu (huyện Tháp Mười) sản xuất trà lá sen; Công ty Sen Đại Việt (huyện Tháp Mười) chế biến sen các loại (củ sen, sen sấy tẩm gia vị)…

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tháp Mười đã hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân 2 dự án, diện tích 44ha, Công ty Sen Đại Việt tạo vùng trồng khép kín 26ha lan tỏa thêm 3 xã: Láng Biển, Trường Xuân, Hưng Thạnh (thay vì trước đây chỉ tập trung ở Tân Kiều, Mỹ Hòa, 1 phần xã Trường Xuân).

Nguồn cảm hứng bất tận

“Sen gợi ra nhiều suy nghĩ đa dạng hóa sản phẩm và cả việc tái cấu trúc nông nghiệp, tổ chức sinh kế bền vững. Chúng tôi thực hiện một số mô hình trồng sen mùa nước nổi, mỗi hecta lãi từ 50 – 100 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa” – Tiến sĩ Andrew Wyatt – Phó Giám đốc IUCN tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar cho biết. Sen mùa nước nổi có năng suất hơn 7,3 tấn/ha, với giá bán từ 15.000 – 25.000 đồng/kg gương, trồng sen lấy ngó cho năng suất từ 8 – 10 tấn/ha, giá ngó sen từ 15.000 – 30.000 đồng/kg. Khi giá sen xuống thấp, có thể chưa hài lòng; nhưng nông dân vẫn lời nhờ cá tự nhiên và sản phẩm chế biến có thể bán cho du khách, nguồn lợi xã hội nhiều hơn trồng lúa rất nhiều.

Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau. Ruộng sen mang lại phù sa hằng năm trung bình từ 0,5 – 0,7cm, ruộng sen trữ nước bình quân 0,9m nước, qua đó giúp cho đất có thêm phù sa, người dân tốn ít chi phí hơn trong vụ lúa đông xuân. Dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị Quyết 120 của Chính phủ Việt Nam thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhằm đối phó với tình trạng khô hạn và lũ lụt.

Trong thời gian tới, IUCN và các đối tác sẽ tiếp tục tìm kiếm, huy động thêm các nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ các bên liên quan như Chính phủ, các nhà tài trợ và khu vực tư nhân để tiếp tục và nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi.

Ngoài ra, các dự án khởi nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp cũng liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi ích và có số lượng khách hàng lớn hơn. Điển hình như trồng, làm nhang sạch từ sen, khăn choàng Long Khánh, tinh dầu làm thành bộ quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ, tranh, bóp (ví), trà lá sen… đó là sự liên kết tương hỗ trước thách thức của thị trường đối với những dự án khởi nghiệp.

Nguyệt Đỗ – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới