8.1 C
New York
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Nữ sinh Đồng Tháp làm son từ hoa sen

Nguyễn Thị Diệu Hiền, học sinh lớp 12, sản xuất thành công son từ hoa sen và nhận nhiều giải thưởng của các cuộc thi khởi nghiệp.

Hành trình biến sen thành son bắt đầu một năm trước, khi Trường THCS-THPT Phú Thành A phát động cuộc thi khởi nghiệp. Nữ sinh quê Tam Nông nhận định, hoa hồng dùng làm son được chắc loài hoa sen quê cô cũng không khó.

Sau khi chốt đề tài nghiên cứu với giáo viên chủ nhiệm, Hiền mày mò tìm hiểu cách làm son. Trong nhiều công thức khác nhau, cô chọn các nguyên liệu thân thiện như bột hoa sen, sáp ong, dầu ôliu, dầu jojoba (giúp dưỡng ẩm và hồng môi), vitamin E, màu khoáng (nguồn gốc từ khoáng đá núi lửa và các chất tạo màu tự nhiên).

Với kinh phí để dành từ tiền ăn sáng, Hiền đặt mua nguyên liệu và các thiết bị cần thiết như máy đánh son, khuôn, cốc thuỷ tinh… Song để có nguồn hàng đảm bảo, cô “lục tung” các sàn thương mại điện tử, tham khảo hết các bình luận về sản phẩm. Cuối cùng cô trực tiếp nói chuyện với chủ cửa hàng mới yên tâm đặt mua.

Trong lúc chờ hàng chuyển về, Hiền rảo quanh các cánh đồng để tìm hoa sen. Tiết trời cuối Đông, sen chưa vào vụ, những thửa ruộng mà cô tìm đến chỉ có gương và lá. Tìm quanh xã nhà không có cô nhờ bạn sang xã Phú Thọ lân cận. Lúc nhìn thấy ruộng sen còn lác đác hoa, cả hai đã vui mừng reo lớn. Thương học trò chịu khó, chủ ruộng bán rẻ như cho. Hiền chọn những hoa sen nở được vài ngày, cánh hoa có màu hồng đậm, mùi thơm nhất.

Diệu hiền chọn hoa sen làm son - hoa đã nở được vài ngày, màu đậm và mùi thơm nhất. Ảnh: Ngọc Tài
Diệu Hiền chọn hoa sen làm son – hoa đã nở được vài ngày, màu đậm và mùi thơm nhất. Ảnh: Ngọc Tài

Về nhà, cô cắt nhỏ cánh hoa, phơi trong nắng sáng từ 8 đến 10 giờ, liên tiếp ba ngày rồi nghiền thành bột. Cô học trò sinh năm 2004 háo hức làm mẻ son đầu tiên, chưng cách thủy các nguyên liệu lại với nhau song thỏi son thành phẩm cứng, khô như sáp nến, bột hoa sen vón cục. Tiếp tục nghiên cứu, cô dùng nước cất hoa sen để trộn bột hy vọng chúng sẽ quyện vào nhau nhưng lại thất bại.

Lần thứ sáu đổ bỏ son, Hiền phân vân định thay thế nguyên liệu khác song càng tìm hiểu Hiền càng thích công dụng của hoa sen. Chúng chứa chất chống oxy hoá (dùng làm chất bảo quản tự nhiên), vitamin A, C, nhóm enzym tái tạo tế bào… “Nếu bỏ dở mình thấy rất tiếc”, cô nói. Vậy là nữ sinh tiếp tục thử nghiệm, kiên trì nghiền nhuyễn bột hoa thật mịn, thay đổi tỉ lệ các nguyên liệu nhằm tăng độ ẩm, độ bóng.

Hơn hai tháng sau, thỏi son sen mịn, màu đỏ mọng “ra lò”. Hiền mang tặng bạn bè nhờ họ góp ý. “Các bạn muốn son bền màu hơn nhưng với các nguyên liệu tự nhiên khó có màu son lì” – Hiền nhớ lại. Ngoài ra cô cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho bản thân như son phải có mùi thơm nhẹ từ cánh sen, mịn hơn, bóng hơn. “Do chưa ưng ý lắm nên mình tiếp tục thử nghiệm” – Hiền kể.

Son làm từ hoa sen của cô học trò quê Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Son làm từ hoa sen của cô học trò quê Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài

Bạn Hồ Nguyễn Minh Tú, không khỏi thán phục hành trình đeo đuổi làm son của Hiền. “Bạn siêng năng lắm. Có hôm hơn 10h tối còn nhắn tin kể với em về mẻ son mới ra nhưng phải bỏ vì không đạt”, Tú kể. Còn giáo viên chủ nhiệm lớp 11 – cô Hà Lý Thanh Loan – nhận xét: “Hiền giỏi tìm tòi, học hỏi, nghiêm túc đeo đuổi đến cùng”.

Tháng 10/2021, Hiền sung sướng khi lô hàng mới đạt cơ bản các yêu cầu đặt ra và bắt đầu bán được, mỗi thỏi khoảng 60.000 đồng. Cô mang sản phẩm đi thi, đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức cuối tháng 12. Trong cuộc thi tương tự do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức, Hiền cũng đoạt giải nhì.

Cô dự định học khoá làm son handmade và chọn ngành quản trị kinh doanh, bổ sung kiến thức cho hành trình dài phía trước.

Dự án son sen của Diệu Hiền đạt giải nhì ý tưởng cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức. Ảnh: Nguyễn Khánh
Dự án son sen của Diệu Hiền đạt giải nhì ý tưởng cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Nguyễn Thanh Danh – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho biết, dự án son sen được đánh giá cao về tiềm năng vì tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nâng cao giá trị cây sen so với bán sản phẩm thô.

Cách đây 5 năm, Đồng Tháp mở cuộc thi khởi nghiệp trong học sinh nhằm khơi gợi các ý tưởng sáng tạo, mô hình kinh doanh và hiện thực hóa thành những dự án cụ thể.

Ngành giáo dục kỳ vọng, lứa tuổi học sinh dù chưa xây dựng dự án khởi nghiệp hoàn chỉnh song qua cuộc thi các em xác định được lĩnh vực, ngành nghề yêu thích, muốn gắn bó sau này để có định hướng tốt; tránh tình trạng học sinh cuối cấp lơ mơ khi chọn ngành nghề, lãng phí cả quá trình học.

Ông Danh thông tin thêm cuộc thi còn kết nối một số trường cao đẳng đại học, doanh nhân trong và ngoài tỉnh cùng tham gia đóng góp ý kiến, cũng như chỉ dẫn, hỗ trợ các em. Các dự án đoạt giải thưởng được tổ chức trưng bày, triển lãm, quảng bá. Thông qua đó, một số dự án đã có doanh nghiệp phát hiện, nhận bảo trợ.

“Biết đâu những ý tưởng bị cho là điên rồ nhưng khi các em đeo đuổi đến cùng sẽ trở thành dự án thành công”, ông Danh cho biết.

Ngọc Tài – Vnexpress

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới