6.6 C
New York
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Buy now

spot_img

‘Làm sao để 20 năm nữa, chúng ta có một đồng bằng mang thương hiệu thế giới’

Đây là lần đầu tiên Mekong Connect tổ chức tại TP.HCM đánh dấu bước phát triển mới của diễn đàn trong liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Tư duy đổi mới, tư duy liên kết phát triển chính là điều mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự xúc động, bởi với tất cả những gì đã xảy ra ở TP.HCM và ĐBSCL thời gian qua, hôm nay TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL được ngồi lại với nhau ở đây là một điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Và chính điều này mở ra kỳ vọng để TP.HCM và ĐBSCL giải quyết nhu cầu vô cùng cấp thiết đó là “liên kết cùng phát triển.”

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Liên kết cùng phát triển TP.HCM và ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. TP.HCM muốn cùng ĐBSCL cùng ngồi lại bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển”. Vì thế ông kỳ vọng diễn đàn Mekong Connect không chỉ tạo ra động lực của cả vùng, mà còn mở ra bước phát triển mới trong liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL.

Lãnh đạo các Bộ ngành và các tỉnh ĐBSCL chụp ảnh lưu niệm.

Chia sẻ sự xúc động của mình vì được đứng phát biểu trong diễn đàn hôm nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lời bài hát Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh: “Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”.

Ông nói: khi viết thư mời lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL ông hiểu sự kiện tổ chức ngày hôm nay sẽ làm chi phối thời gian của lãnh đạo các tỉnh thành rất lớn. Nhưng đúng như tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ, “dịch thì dịch nhưng chúng ta vẫn phải cùng nhau phát triển kinh tế” và diễn đàn chính là một minh chứng cho nỗ lực này.

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ: có một bài báo cách đây vài tháng đã nhận định, sau đại dịch TP.HCM sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn ĐBSCL. Bởi vì TP.HCM là một thực thể kinh tế, sự điều phối, sự lãnh đạo sẽ thuận tiện hơn. Trong khi đó 13 tỉnh ĐBSCL là 13 mảnh ghép, mảnh ghép của của 20 triệu người, và như thế mọi việc sẽ luôn khó khăn vất vả.

Ông Hoan tâm sự: “Từ đó tôi cứ suy nghĩ mãi, mình có phải thay đổi hay không? Có gì đó cần phải thay đổi hay không? Tại sao chúng ta không nhìn ĐBSCL như một thực thể?”

Và đúng là cần phải nhìn nhận ĐBSCL như một thực thể, một thực thể với “những mạch máu chi chít ở 13 tỉnh ĐBSCL chứ nó không đóng khung trong một địa giới hành chính nào cả” – ông Hoan nói.

Tiếp tục mạch tư duy liên kết, ông Hoan chia sẻ câu chuyện thời gian ông còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ông có nhờ một doanh nghiệp Úc tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư cho Đồng Tháp. Sau đó vị doanh nhân này đồng ý, nhưng ông nói: “Anh mời thì tôi giúp anh thôi. Nhưng ở Úc của chúng tôi không biết Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre ở đâu hết. Nhưng nói Mekong Delta thì chúng tôi biết. Nó nằm trên bản đồ, cả thế giới đều biết.”

Theo Bộ trưởng Hoan, lời vị doanh nhân Úc đã nhắc nhở ông, chúng ta phải thay đổi tư duy, hướng tới phát triển của toàn vùng ĐBSCL. “Tôi hy vọng, từ nay chúng ta có thể viết các chữ Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre nhỏ một chút, để Mekong Delta lớn lên. Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang viết nhỏ đi một chút, để Việt Nam lớn lên” – ông Hoan nói. Đó là tư duy mở, tư duy liên kết, tư duy hợp tác cùng phát triển.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

“ĐBSCL không phát triển có phải chỉ do hạ tầng không?” – ông Lê Minh Hoan tiếp tục đặt câu hỏi và tâm sự, “tôi đã cố gắng tự thuyết phục tôi như vậy, nhưng có lẽ không phải”.

“Tư duy liên kết, tư duy hợp tác mới là mấu chốt. Hạ tầng là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ” – ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, tư duy hợp tác liên kết vùng đã nói 20 năm nay rồi, nhưng chưa thể thay đổi. Và để thay đổi thì cần phải huy động được nguồn trí tuệ của mọi thành phần kinh tế, từ chuyên gia, người nông dân… và đặc biệt là doanh nghiệp.

Về vai trò của doanh nghiệp, ông Hoan kể lại câu chuyện, trong một lần tổ chức diễn đàn liên kết du lịch giữa TP.HCM và đồng bằng, giờ giải lao ông ra ngoài thì một giám đốc công ty du lịch nói: “Tôi đố các anh liên kết được đây. Lâu lâu các anh tổ chức diễn đàn rồi bỏ đó. Không có doanh nghiệp chúng tôi, đố các anh liên kết được. Doanh nghiệp của chúng tôi mới rải đi khắp nơi, mới có liên kết được.”

Lời vị doanh nhân này làm ông Hoan nhớ lại câu chuyện ở Singapore, trong tất cả trang web của các bộ ngành Singapore đều có câu mời: Kính thưa quốc dân đồng bào, bộ chúng tôi có nhiều lắm là vài nghìn người, nên chúng tôi không bao giờ theo kịp sự thay đổi cả. Vậy nhờ quốc dân đồng bào đóng góp ý tưởng cho chúng tôi.

Đó cũng là tinh thần mà ông Lê Minh Hoan mong mỏi: “Từ thực tiễn sinh động ở ĐBSCL tôi mong rằng các doanh nghiệp, các chuyên gia bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến bằng các mô hình các hoạt động thực tiễn của mình. Làm sao để 20 năm nữa, chúng ta có một đồng bằng mang thương hiệu thế giới.”

Mekong Connect khởi đầu với mạng lưới 4 tỉnh An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp (ABCD Mekong) với bộ phận điều phối thường trực là Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hoạt động thường xuyên với 4 chương trình hợp tác: Liên kết doanh nghiệp, hợp tác đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại và truyền thông. Phương pháp tác động của Mekong Connect là đánh giá, phân tích nguồn lực và cùng nhau tìm giải pháp và tổ chức hành động từ nội lực, sức liên kết và sáng tạo, chứ không trông chờ, ỷ lại. Chính cách cập nhật và đối chiếu thực trạng, vận dụng tri thức bản địa và hiện đại, nắm bắt cơ hội và kiểm soát mối nguy đã tạo ra những thành tựu mới trong thế hệ doanh nhân – nông dân mới ở ĐBSCL.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới