18.2 C
New York
Thứ Hai, 7 Tháng Mười 2024

Buy now

spot_img

Đồng Tháp và những kỳ vọng phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022

Nông nghiệp luôn được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xác định là ngành kinh tế quan trọng, có nhiều đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã bước sang giai đoạn thực hiện mới, với kỳ vọng tạo nên nhiều đột phá.

Chia sẻ về những định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong năm mới 2022, Cổng Thông tin điện tử tỉnh có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, trong lĩnh vực nông nghiệp, những nội dung đột phá nào được tỉnh tập trung thực hiện trong năm 2022?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, do đó ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, với giải pháp đột phá trong định hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, số hóa ngành nông nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) thăm hỏi nông dân thành phố Sa Đéc về tình hình trồng hoa kiểng

Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, trước hết là ứng dụng công nghệ số để quản lý dữ liệu, nâng cao năng lực điều hành của cơ quan quản lý nhà nước; tự động hóa trong hoạt động báo cáo kết quả sản xuất định kỳ, trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; hình thành mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng Tháp tập trung sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn sẽ đi cùng với đô thị hóa, phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Cùng với đó, tỉnh quan tâm xây dựng hình ảnh “nông dân chuyên nghiệp”, trước hết là tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch luôn được tỉnh quan tâm

Phóng viên: “Nông nghiệp thuận thiên”, “nông nghiệp xanh” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Định hướng của tỉnh Đồng Tháp như thế nào đối với các loại hình nông nghiệp này?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đồng Tháp phát triển nông nghiệp với phương châm “thuận theo tự nhiên”, nghĩa là tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống; sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tận dụng lợi thế tự nhiên; chủ động, linh hoạt thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu như nguồn tài nguyên cho phát triển.

Làm nông nghiệp “thuận theo tự nhiên” chính là xây dựng nền tảng cho “nông nghiệp xanh”. Tỉnh tiếp tục nhân rộng các biện pháp canh tác bền vững, giảm phân bón, thuốc hóa học và phát thải khí nhà kính và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất tái tạo để nâng cao giá trị ngành hàng nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các mô hình đa canh khác như: Lúa – tôm, lúa – cá, lúa – cá – vịt, mô hình lúa – sen, mô hình sinh thái Đồng sen gắn với du lịch v.v. vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn, theo hướng hữu cơ thân thiện môi trường, vừa giúp phục hồi hệ sinh thái và môi trường.

Đầu năm 2022, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết các mô hình sản xuất hiệu quả, đề xuất nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mô hình nông nghiệp thuận thiên, nhằm đánh giá khó khăn, vướng mắc, đồng thời lựa chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng.

Người nông dân chính là chủ thể chính để thực hiện chủ trương làm “Nông nghiệp thuận thiên”, “nông nghiệp xanh”. Vì vậy, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, góp phần giúp nông dân hiểu rõ lợi ích khi xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao uy tín nông sản của địa phương, được nhiều thị trường đón nhận, góp phần nâng cao thu nhập.

Phóng viên: “Xây dựng nông thôn là nơi bình yên, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống”. Để hiện thực hóa điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định mục tiêu cao nhất là xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, thu nhập đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải được nâng lên.

Tỉnh Đồng Tháp đứng trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 97/115 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 84,35%), có 05/12 huyện, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng nông thôn mới là “nơi bình yên, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống”, tỉnh có những giải pháp cụ thể như:

Tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2022 đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững. Tuyên truyền vận động thực hiện và duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới; ban hành và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, tự quản, tham gia quản trị địa phương gắn với cộng đồng trong giải quyết các vấn đề trọng tâm của xây dựng nông thôn mới như: Cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, kinh tế nông thôn nâng cao và hoạt động của các hợp tác xã mang lại hiệu quả và lợi ích cho cộng đồng.

Vận dụng, xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi để thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo định hướng, mục tiêu quy hoạch. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm xây dựng mô hình “Làng thông minh”, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện, số hóa quản lý, cung cấp dịch vụ công và việc đánh giá xét công nhận xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng Tháp tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”, chú trọng khuyến khích chuẩn hóa các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn, du lịch văn hóa cộng đồng nông thôn.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất và thu nhập.

Phóng viên: Xin ông cho biết về tiến độ xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030? Đề án có những điểm mới nào so với giai đoạn trước đây?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Phát huy các kết quả đạt được của tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn vừa qua và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đang hoàn chỉnh nội dung đánh giá lại kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, làm cơ sở định hướng kế hoạch giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới sẽ có nhiều điểm mới, khi đặt trong bối cảnh với những diễn biến phức tạp khó lường của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận cạnh tranh, tuân thủ các tiêu chuẩn các nước đặt ra trên cả 03 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, ngành nông nghiệp vừa phải ứng phó kịp thời với những bất lợi để chuyển thành thời cơ phát triển, vừa phải có chiến lược lâu dài để phát triển hiệu quả và bền vững.

Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực: Lúa, xoài, sen, hoa kiểng, cá tra, vịt, trong đó ngành hàng sen được bổ sung mới và chuyên đề về chuyển đổi số trong nông nghiệp; các ngành hàng có tiềm năng, thế mạnh tại các địa phương, đảm bảo theo các định hướng “Hợp tác – Liên kết – Thị trường” và “Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng sản phẩm”.

Đồng Tháp quyết tâm phát triển kinh tế nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có hơn (phấn đấu thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so năm 2020), văn minh hơn và trách nhiệm hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế (giá trị tăng thêm đạt 22.883 tỷ đồng), xã hội và bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh – Cồng Thông tin Đồng Tháp
0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới