15.8 C
New York
Thứ Tư, 24 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Chung tay để chuỗi ngành hàng lúa gạo không đứt gãy

Bài 1: Nông dân, doanh nghiệp lúa gạo đều gặp khó…

Nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu muộn và một số diện tích lúa thu đông sớm tại 2 huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc đi lại thu mua của thương lái gặp nhiều khó khăn khiến giá lúa giảm mạnh, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Nông dân lo giá lúa sẽ tiếp tục giảm nên vẫn bán cho thương lái

Hiện tại, năng lực của các doanh nghiệp lúa gạo vẫn còn nhưng các khâu vận chuyển, logictics gặp khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện “3 tại chỗ” (nay bổ sung thêm tiêu chí y tế tại chỗ là “4 tại chỗ”) khiến DN lúa gạo như đang “mắc cạn”. Hiện DN cũng đang mong muốn được tháo gỡ những khó khăn này để đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân.

Cánh đồng vắng bóng thương lái

Đối với khu vực vùng sâu, việc đi lại khó khăn nên giá lúa tại nơi đây thường thấp hơn những khu vực khác từ 100-200 đồng/kg. Trước tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thương lái đến thu mua lúa lại càng ít. Chính vì điều này, khi lúa chín, thương lái hạ giá xuống mỗi ký khoảng 400-500 đồng nhưng nông dân cũng buộc lòng phải bán.

Anh Lê Văn Hoài ở Ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, thông thường lúa hè thu giá sẽ thấp hơn vụ đông xuân do mưa gió, lúa kém chất lượng hơn. Tuy nhiên, điều tôi không ngờ là dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, khiến việc mua bán khó khăn.

Cũng như những hộ xung quanh, ông Võ Văn Nghĩa ở Ấp K10, xã Phú Hiệp bán 2ha lúa (bán ngày 8/8/2021) thấp hơn giá bỏ cọc 400 đồng/kg nhưng ông vẫn chấp nhận bán vì không có nhiều chọn lựa. Ông Nghĩa cho biết: “Trước khi cắt khoảng 10 ngày, lái đặt cọc giá 6.300 đồng/kg, thế nhưng đến ngày thu hoạch, họ thông tin, giá lúa giảm nên hạ giá xuống còn 5.900 đồng/kg. Dù vậy nhưng tôi cũng quyết định bán. Khu này, nông dân nào cũng bán giá vậy, mình cũng bán theo”.

Tình trạng thương lái ít, giá lúa giảm đang là thực trạng chung của các cánh đồng đang thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thương lái muốn đi qua các chốt kiểm dịch phải có giấy test nhanh kết quả âm tính. Thêm vào đó, việc huy động phương tiện vận chuyển lúa gặp nhiều khó khăn khiến lượng thương lái đi vào các vùng thu hoạch lúa hạn chế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích lúa hè thu diện tích còn đang thu hoạch chỉ chiếm khoảng 12% (đã thu hoạch 165/187,5ha) nhưng hiện có hơn 39ha diện tích lúa thu đông tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh đang trong giai đoạn trổ chín, dự kiến thu hoạch vào trung tuần tháng 9. Đồng thời, thời điểm này, diện tích tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng thu hoạch, dự kiến giá lúa tiếp tục giảm. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các chuỗi liên kết nguy cơ đứt gãy, khó khăn cho cả 2 bên nông dân lẫn DN…

Việc thu mua, liên kết tại Vinarice gần như đình trệ từ khi thực hiện “4 tại chỗ”

Doanh nghiệp khó khăn kép

Hiện nay, mặc dù lượng tồn kho còn nhiều nhưng năng lực thu mua của DN vẫn còn. Đặc biệt, là những DN có đơn hàng lớn không thể tiến hành thu mua được vì các “vệ tinh” hệ thống thương lái không vào được các vùng thu hoạch. Đồng thời ngay tại nhà máy, việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng gặp khó khăn khi số lượng nhân công bốc xếp chỉ còn 30-40%. Bên cạnh đó, khó về logistics khiến DN không thể tiến hành các hoạt động thu mua, sản xuất, bao tiêu… Những trở ngại này đặt DN vào tình thế “khó khăn kép”.

Đại diện Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, hiện công ty có 6 điểm thu mua dự trữ, chế biến lương thực đóng trên địa bàn tỉnh. Hiện lượng tồn kho của công ty là 10.000 tấn, tuy nhiên năng lực thu mua của công ty vẫn còn, nhất là việc đáp ứng các đơn hàng cho tổng công ty. Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị hiện nay là việc thực hiện “3 tại chỗ”, đến nay lượng công nhân bốc xếp tại các nhà máy chỉ còn khoảng 30%. Do vậy, công ty gần như đình lại các khâu thu mua, chế biến vì không có nhân công.

Ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty lương thực Phương Đông cho biết, mặc dù công ty cũng có những chính sách đãi ngộ tăng lương, hỗ trợ chi phí sinh hoạt để giữ chân lực lượng bốc xếp ở lại công ty thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, lượng công nhân chịu ở lại khá ít, chỉ còn 25/70 lao động. Vì đặc thù là công việc nặng nhọc nên họ khá mệt mỏi và mong muốn được thay đổi lao động khi tỉnh tiếp tục thời gian giãn cách.

Điều đáng lo khi tình trạng DN khó khăn kéo dài sẽ kéo theo một loạt các hệ quả làm đứt gãy chuỗi liên kết lúa gạo. Ông Bùi Quang Sơn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam – Vinarice cho biết, DN thực hiện kinh doanh 2 mảng đó là mảng lúa giống và lúa gạo lương thực. Thế nhưng, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện “4 tại chỗ” khiến lực lượng trực tiếp đi xuống đồng của công ty gần như “đứng tại chỗ”. Điều này, khiến hoạt động thu mua, liên kết bị đứt gãy…

Ông Sơn chia sẻ thêm, hiện công ty chỉ còn thực hiện một số hoạt động sản xuất tại đơn vị. Tuy nhiên lượng công nhân chịu ở lại công ty còn quá ít 15/120 công nhân khiến sản xuất tại đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chống dịch trong thời gian tới cần có giải pháp linh hoạt nếu không DN cũng khó có thể trụ vững.

Một số ý kiến cho rằng, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, cần có giải pháp linh hoạt hơn trong thực hiện “3 tại chỗ”, tạo “luồng xanh” cho DN sản xuất, chế biến gạo. Đồng thời cần có chính sách tháo gỡ khó khăn về lực lượng công nhân bóc xếp, nguồn vốn và ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động tại các DN lúa gạo để đơn vị duy trì sản xuất và từng bước kích hoạt lại các hoạt động thu mua chế biến nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay…

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có 182 DN chế biến lương thực, công suất 4 triệu tấn lương thực/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay chỉ còn 27/182 DN đang hoạt động. Công suất thiết kế đạt khoảng 140.600 tấn gạo xô/tháng và 38.120 tấn lúa nguyên liệu/tháng. Hiện, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, các DN đang hoạt động giảm từ 40-50% công suất, lượng công nhân lao động tại các nhà máy này đã giảm khoảng 40%.

(Còn tiếp)

Bài 2: Cần tạo luồng xanh cho doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo

MẪN NHY – BÁO ĐỒNG THÁP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới