17.8 C
New York
Chủ Nhật, 8 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Câu chuyện mua bán

Giờ đây, vẫn còn nhớ như in những cảm xúc mỗi lúc nghe tiếng rao hàng đầu ngõ. Có khi là hủ tiếu, mì gõ, có khi là các loại bánh trái dân gian lót dạ bữa sáng sớm, giữa trưa hay đêm muộn. Cùng mục đích đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, cách rao hàng sơ khai ngày trước có thể được xem là cách tiếp thị 1.0. Còn ngày nay đã có những cách tiếp thị 4.0 song hành với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rồi.

Ngày xưa không gian sống nhỏ gọn, một tiếng rao ngân nga là đã vang động cả khu phố, đánh vào tâm thức của bao người. Ngày nay không gian sống trải rộng hơn, nhịp sống hối hả hơn, người ta đi lại nhiều hơn, ngõ xóm ồn ào hơn nên tiếng rao bị lọt thỏm trong bao âm thanh phố phường. Ngày xưa, người mua không đông và người bán cũng không nhiều như bây giờ. Ngày nay, thì trăm người bán và cả vạn người mua. Ngày xưa thì mua bán trong những ngôi chợ quê truyền thống với nào thúng nào mẹt. Ngày nay thì đã có những siêu thị, trung tâm thương mại, và cả chợ trên không gian mạng. Ngày xưa, nhu cầu con người đơn giản, chỉ cốt có cái ăn cái mặc, cái mái nhà che mưa tránh nắng là coi như đầy đủ rồi. Ngày nay, nhu cầu con người phong phú hơn nhiều, đa dạng hơn nhiều. Có cầu thì ắt có cung. Vậy là sản phẩm đa dạng từ chủng loại, kích cỡ, chất lượng, giá tiền, phong phú cách làm bao bì, nhãn mác,… Ngày xưa, thì một món hàng hữu hình thường chỉ để phục vụ tiêu dùng là chính. Ngày nay, thì có khi chưa có nhu cầu, mà vẫn muốn mua vì món hàng mới mẻ, món hàng hay hay, món hàng đẹp đẽ,…

Vậy là phải cần đến “cách rao hàng mới” để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, một xã hội cung thường vượt cầu, một xã hội có quá nhiều điều mới lạ để tha hồ mà lựa chọn. Thời buổi truyền thông đa phương tiện rồi mà, đâu chỉ đánh vào tâm thức người tiêu dùng bằng âm thanh mà còn cả màu sắc, biểu tượng sống động. Ngày xưa phải đến gần người tiêu dùng mà rao bán, còn bây giờ có thể ở từ xa mà tiếp thị khắp bốn phương, không lệ thuộc vào không gian, thời gian. Nhưng ngặt một nỗi, bây giờ nhiều sản phẩm và nhà cung cấp sản phẩm quá, nên nếu không biết cách rao hàng, tiếp thị thì khó lòng thu hút người tiêu dùng. Người ta gọi đó là kỹ năng bán hàng, là nghệ thuật tiếp thị (marketing), phải được học hành bài bản, trường lớp hẳn hoi. Mà cũng phải thôi, các quầy kệ thì đầy sản phẩm cả rồi, muốn chen sản phẩm mới lên những chỗ dễ nhìn thấy không phải là dễ dàng. Thị trường thật và cả thị trường ảo luôn tấp nập, nhộn nhịp kẻ bán, người mua.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, người xưa từng quan niệm về sự quan trọng của chất lượng bên trong, còn hình thức bên ngoài – được gọi là bao bì – thì chẳng qua là lớp vỏ bọc sản phẩm lại thôi. Nhưng bây giờ thì hổng phải vậy đâu, “tốt gỗ” là lẽ đương nhiên, rồi phải tốt cả “nước sơn” mới được. Hình như bây giờ người ta lệ thuộc nhiều vào thị giác. Người ta còn thưởng thức món ăn bằng thị giác. Người ta mua một sản phẩm, dùng một dịch vụ cũng do thị giác quyết định. Người ta quan sát thấy cái gì bắt mắt là muốn mua, mặc dù đôi khi chưa biết dùng vào việc gì. Hình như mua hàng hoá bây giờ không chỉ đơn thuần là để sử dụng, mà còn nhằm mục đích biếu tặng, để thể hiện sự sành điệu, thời thượng, đẳng cấp.

Mà như vậy đã hết câu chuyện tiếp thị thời hiện đại đâu. Bây giờ chuyện mua bán, chuyện tiếp thị còn cần đến văn hoá, đến cảm xúc. Người tiêu dùng không chỉ mua một sản phẩm hay dịch vụ mà mua cả “câu chuyện” – câu chuyện dẫn dắt, khơi gợi, tạo nên cảm xúc. Người tiếp thị phải biết cách giới thiệu khách hàng đến với một câu chuyện dung dị, một trải nghiệm mới lạ, một cảm xúc khó gọi tên. Đó có thể là câu chuyện về một sản phẩm ẩn chứa bên trong những giá trị truyền thống, văn hoá thiêng liêng của một địa phương. Đó có thể là câu chuyện về một sản phẩm được tạo ra từ những tài nguyên bản địa của một làng quê, với trọn vẹn tình cảm và sự khéo léo của người thợ chế tác. Đó có thể là câu chuyện về một sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo tồn và lưu giữ hệ sinh thái tự nhiên. Đó có thể là câu chuyện của những người, cộng đồng với thiện chí tạo nên sản phẩm gửi gắm, chuyển tải giá trị tốt đẹp cho xã hội. Muốn tạo ra cảm xúc cho khách hàng, trước hết người tiếp thị, bán hàng phải đong đầy cảm xúc trước.

Mà như vậy cũng chưa hết câu chuyện tiếp thị, bán hàng thời hiện đại đâu. Người tiếp thị bán hàng phải hiểu rằng đằng sau một sản phảm bán ra, một dịch vụ được sử dụng, không chỉ là chuyện lương thưởng, mà đó là niềm tự hào với công việc của mình. Tự hào vì đã giúp cho bao doanh nghiệp tăng doanh thu, đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách. Tự hào vì đã giúp cho biết bao người lao động có công ăn, việc làm. Tự hào vì thông qua sản phẩm, dịch vụ là đã góp phần đưa hình ảnh một địa phương, đất nước đi xa khắp bốn phương trời. Nhìn vào chiều sâu, bán một sản phẩm, một dịch vụ cũng là giới thiệu, quảng bá hình ảnh cho địa phương mình, đất nước mình. Bán đi một món hàng, một dịch vụ là trao cho người tiêu dùng một cảm xúc và nhận lại một cảm xúc. Cảm xúc sẽ giữ chân được khách hàng và giữa người bán hàng và người mua hàng có khi trở thành những người bạn thân thiết.

Người bán hàng được xem là giỏi nhất thế giới – ông Jio Girard – đã đúc kết những tố chất cần có của người bán hàng. Đó là phải có khát vọng vươn lên! Đó là phải kiên trì, bền bỉ và trung thực! Đó là phải có niềm tin mãnh liệt! Đó là những điều đôi khi không có trong giáo trình của các trường lớp đào tạo, huấn luyện nghề tiếp thị, bán hàng. Tự mỗi người phải chiêm nghiệm và rèn luyện thôi.

Nghề nào trong xã hội mà không đáng trân quý, nghề tiếp thị, bán hàng cũng vậy thôi. Đâu đơn giản theo kiểu “Lắm mồm chị hàng cá, lắm lá chị hàng nem”. Và nhất là không được “Giả vờ buôn vịt bán gà/Buôn đường bán mật, buôn cà bán dưa” đâu nhé! Tiếp thị, bán hàng là bắt một nhịp cầu cảm xúc, gửi gắm những câu chuyện từ người bán đến người mua.

Xích Lô

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới