9.5 C
New York
Thứ Năm, 25 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Phải có một cuộc cách mạng về tổ chức lại sản xuất

ĐTO – Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những định hướng rất cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (trong ảnh) về một số nội dung chính được đề cập trong chiến lược quan trọng này.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, lần đầu ngành nông nghiệp có được một chiến lược phát triển dài hạn, Bộ trưởng có thể cho biết tinh thần cốt lõi của chiến lược này là gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cho đến thời điểm này, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có thể nói, đây chính là một chiến lược có tầm nhìn xuyên suốt gần 40 năm để trả lời rất nhiều các câu hỏi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đang được đặt ra từ cuộc sống. Đây cũng là lần đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có được một chiến lược phát triển dài hạn. Chiến lược nhằm định vị ngành nông nghiệp và nông thôn trong một cấu trúc kinh tế-xã hội, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng khẳng định vai trò sứ mệnh của ngành nông nghiệp và nông thôn. Cũng lần đầu, nông nghiệp được ghép với nông thôn như một sự tương hỗ hữu cơ với nhau.

Tại sao chúng ta phải có một chiến lược dài hạn? Bởi vì nền nông nghiệp của chúng ta với đặc thù là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, với hàng chục triệu nông dân như thế, với tập quán sản xuất như thế, với sự manh mún đồng ruộng như thế, để tổ chức lại, không phải ngày một ngày hai làm được mà cần có một chiến lược dài hạn. Tinh thần cốt lõi của Chiến lược chính là phải tổ chức lại sản xuất, phải có một cuộc cách mạng về “tổ chức lại sản xuất”, hướng đến sản xuất quy mô lớn, để khắc phục điểm yếu của nền nông nghiệp, vượt qua được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp. Có thể gói gọn tinh thần của Chiến lược trong sáu từ khóa: “Hợp tác-Liên kết-Thị trường-Giảm chi phí-Tăng chất lượng-Đa dạng hóa sản phẩm” trong đó, ba từ khóa đầu “Hợp tác-Liên kết-Thị trường” là điều kiện cần, còn ba từ khóa sau “Giảm chi phí-Tăng chất lượng-Đa dạng hóa sản phẩm” là điều kiện đủ.

Phóng viên: Quan điểm phát triển của Chiến lược là đề cao vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời coi người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Vậy, đây có phải là điều mà lâu nay Bộ trưởng vẫn trăn trở hay không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược là cụ thể hóa những nội dung về nông nghiệp, nông thôn được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chiến lược đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, ba cái đó không thể tách rời nhau được mà nó quan hệ hữu cơ và xác định nông dân là chủ thể. Đây là những vấn đề rất lớn, mặc dù Nghị quyết của Đảng đã nói rất nhiều là đặt người nông dân trong vai trò chủ thể, nhưng thực tế chưa được như vậy. Cần quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề này, bởi vì không thể tự nhiên người nông dân làm chủ thể được, còn phải bao hàm vấn đề năng lực và nhiều vấn đề khác. Phải nâng cao năng lực của người nông dân, muốn làm chủ thì phải có năng lực của người làm chủ. Do đó, làm sao nâng cao năng lực của người nông dân cũng là vấn đề được đặt ra trong chiến lược này.

Chiến lược này sẽ không thành công nếu chúng ta không biết người nông dân đang thiếu gì, đang nghĩ gì, đang cần gì. Đã đến lúc chúng ta không chỉ tiếp cận nông sản là một ngành hàng mà cần tiếp cận với những người tạo ra ngành hàng đó, chính là người nông dân. Thả con giống vô là người nông dân, trồng cây giống xuống cũng là người nông dân. Đừng nghĩ nông nghiệp chỉ chiếm mười mấy phần trăm trong tổng giá trị nền kinh tế mà phải xem đó là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, xem nó là một cấu trúc kinh tế-xã hội, để phát triển nó bền vững.

Phóng viên: Chiến lược có đề ra mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn gấp từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Câu chuyện thu nhập của người nông dân có lẽ vẫn còn rất nan giải trong những năm tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi đã có lần phát biểu trước Quốc hội, nếu 5 năm trước trồng lúa, 5 năm sau vẫn trồng lúa thì làm sao thu nhập tăng gấp rưỡi, gấp ba được. Tôi cũng hay nói, nếu chỉ nhìn vào con số hơn 48 tỷ USD giá trị xuất khẩu sẽ không thấy hết được vấn đề, mà cái quan trọng, quyết định chính là khâu tổ chức sản xuất và thu nhập của người nông dân. Chúng ta vẫn nói người nông dân là trung tâm, nhưng chúng ta chưa có một thước đo cụ thể về thu nhập của người nông dân, thước đo của chúng ta mới chỉ là sản lượng, là kim ngạch xuất khẩu, là giá trị gia tăng của ngành hàng… Trong khi đó, trên thực tế, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và thu nhập của người nông dân nhiều khi không song song với nhau. Lẽ ra với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thì thu nhập của người nông dân phải tăng theo. Thành ra mới có câu chuyện nhiều người bỏ nông nghiệp, bỏ ruộng đất hoang để về thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để làm công nghiệp, rồi khi xảy ra dịch Covid-19, nhà máy đóng cửa, lại “rồng rắn” trở về quê.

Nếu chúng ta vẫn theo tư duy sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất khó nâng cao thu nhập cho nông dân, cho nên cần phải có tư duy kinh tế nông nghiệp, tổ chức chuỗi ngành hàng, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để tăng cường liên kết, ngoài tạo ra nông sản còn phải đẩy mạnh bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói… để vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo ra việc làm ở nông thôn. Cần nâng cao thu nhập cho nông dân, để nông dân sống, làm giàu được bằng nghề nông. Đây cũng là một vấn đề được chiến lược đặt ra với nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của nông dân như: thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, chính thức hóa “lao động phi chính thức” rút ra từ nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn…

Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về việc “hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp” được đề cập trong Chiến lược?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta muốn biến nền nông nghiệp truyền thống thành nền nông nghiệp chuyên nghiệp, nông nghiệp có trách nhiệm, thì những người tham gia (trước hết là nông dân) phải chuyên nghiệp, phải có trách nhiệm. Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải có những người nông dân thông minh, nông dân 4.0. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rằng chính mình là người quyết định. Chẳng hạn, nhiều người cứ hay nghĩ rằng bị thương lái ép giá, nên không có lãi, trong khi phải chủ động tính toán mô hình canh tác, giảm chi phí đầu vào, tính đến thị trường… để làm sao chi phí thấp nhất, giá bán cao nhất. Người nông dân chuyên nghiệp phải biết hạch toán chi phí, và ngoài tạo ra sản phẩm còn phải biết tạo ra giá trị cho sản phẩm. Thí dụ như bán trái xoài chẳng hạn, để ở dưới đất, bỏ vào thúng bán giá khác, để trên kệ, cho vào hộp giá nó khác. Ở đây cần phải hiểu, có thể không phải một người làm tất cả, mà cần liên kết để gia tăng giá trị, có thể có người chỉ sản xuất, có người chỉ đóng gói… Từ liên kết sẽ hình thành hợp tác để tạo ra chuỗi ngành hàng, không phải bán thô, mà bán tinh, thì giá trị nó khác hẳn, thu nhập cao hơn hẳn. Tóm lại, nông dân chuyên nghiệp không chỉ biết hạch toán, tính toán kinh tế mà còn phải biết liên kết, hợp tác với nhau để giảm chi phí, tạo ra sản lượng và giá trị cao nhất có thể và từ đó tối ưu giá bán. Trước đây chúng ta hay biểu dương nông dân sản xuất giỏi, giờ phải biểu dương nông dân làm kinh tế giỏi mới đúng.

Phóng viên: Chiến lược đề ra yêu cầu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về những vấn đề này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược nhấn mạnh đến việc phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời phải tiếp cận kinh tế nông nghiệp với tính đa giá trị của nó. Nếu nói sản xuất nông nghiệp thì mình chỉ tính sản lượng thôi, nhưng sản lượng thì chưa bao hàm được giá trị kinh tế của nó, vì sản lượng là cái mà mình có thể tạo ra, nhưng để thị trường có chấp nhận hay không thì nó phải hội tụ nhiều yếu tố, khi đó nó mới có thể biến thành giá trị. Lúa trên đồng dù có đạt sản lượng cao nhưng cũng chưa thể bảo đảm mang lại giá trị cao cho ngành cũng như thu nhập cho người nông dân. Như kết quả vụ đông xuân vừa rồi ở đồng bằng sông Cửu Long là thí dụ cụ thể. Năng suất, sản lượng cao, nhưng vì chi phí đầu vào cao cho nên nông dân không có lãi. Nông sản chỉ khi ra được thị trường mới quyết định được giá trị và nó ra với giá nào thì là cả một câu chuyện về thay đổi tư duy.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Một số mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030

– Tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5% đến 6%/năm.
– Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5% đến 6%/năm.
– Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn gấp từ 2,5  đến 3 lần so với năm 2020.
– Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.
(Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050)

 

Theo NDĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới