9.1 C
New York
Thứ Năm, 28 Tháng Ba 2024

Buy now

spot_img

Bao bọc rau củ quả xuất khẩu

Rau củ quả xuất khẩu (XK) cập cảng nước ngoài thường giảm chất lượng hoặc hư thối. Những năm gần đây, mảng XK này khởi sắc càng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ bảo quản sản phẩm dài ngày…

Ông Phạm Quốc Bảo (bên trái)

Đi tìm phương thức bảo quản

Từ năm 2001, khi còn làm nhân viên trong Công ty Giao nhận Quốc tế Sao Nam (Sancopack), Phạm Quốc Bảo nhận thấy việc bao bì đóng gói không đúng quy chuẩn đã làm giảm chất lượng trái cây XK. Đến năm 2015, chứng kiến nhiều container rau củ quả XK bị tiêu hủy vì hư hỏng trong quá trình bảo quản đã thôi thúc Phạm Quốc Bảo đề xuất với công ty mở dịch vụ tư vấn và cung cấp các giải pháp bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Ông biết cần phải có sản phẩm làm từ công nghệ hóa sinh thì mới giữ được chất lượng rau củ quả XK.

Từ yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, Phạm Quốc Bảo nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học để tìm ra giải pháp hóa sinh an toàn. Ông đã liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Khoa học – Công nghệ TP.HCM, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để tìm ra giải pháp bảo vệ rau củ quả trong thời gian đủ dài.

Với tiêu chí giảm thiểu tác động đến môi trường của các thị trường khó tính về bao bì bảo quản, nhóm nghiên cứu phải đưa ra được phương án tiết giảm việc sử dụng nguyên liệu thô, năng lượng đầu vào và sản xuất chất thải. Dung dịch mủ cao su, do đó được nhóm nghiên cứu chọn sử dụng để sản xuất bao bì xanh hơn. Tuy nhiên, để thành sản phẩm có tính bảo quản an toàn lâu dài, nhóm phải tìm được giải pháp kháng khuẩn để loại bỏ các sản phẩm tự nhiên như nấm trong bao bì gây ra ô nhiễm và hư hỏng thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất bao bì thực phẩm bằng vật liệu tự nhiên vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam và trên thế giới. Vì vậy, Phạm Quốc Bảo đã chủ động liên kết với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và các phòng lab tại Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Canada và Ấn Độ để cập nhật những phương pháp hóa sinh hiện đại.

Túi GreenMap đảm bảo an toàn cho rau củ quả và người sử dụng

Đầu tháng 6/2021, sau nhiều thử nghiệm, Phạm Quốc Bảo lần đầu giới thiệu sản phẩm công nghệ hóa sinh để vừa bảo quản được rau củ quả trong nhiều ngày, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm tại Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM. Trong đó, đáng chú ý là màng Natacoat được chiết xuất từ mủ cao su bảo vệ được nông sản và ức chế sự tăng trưởng của nhiều loại nấm, ngăn ngừa mất nước ở rau củ quả. Một sản phẩm đáng chú ý khác là túi GreenMap được làm từ nhựa LDPE kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit. Đây đều là nguyên liệu tự hủy, đảm bảo an toàn cho rau củ quả và người sử dụng.

Bên cạnh hai sản phẩm trên, nhóm nghiên cứu của Phạm Quốc Bảo còn tạo ra nhiều sản phẩm hóa sinh để diệt khuẩn và nấm trong quá trình bảo quản rau củ quả XK.

Sau khi được kiểm chứng chất lượng, những sản phẩm này đã được các nhà XK rau củ quả đón nhận nồng nhiệt. Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Lộc Song Kim, Tiền Giang đã sử đóng chúng đóng gói xoài XK đi Nga. Lô hàng này đi bằng đường biển đến Moscow vẫn giữ được độ tươi sau 40 ngày. Trái thanh long của Công ty Cao Thành Phát, Bình Thuận xuất đi Canada trong 45 ngày, xà lách của Công ty Trường Phúc ở Đà Lạt xuất đi Hàn Quốc 15 ngày dùng bao bọc của nhóm Phạm Quốc Bảo vẫn tươi nguyên.

Thách thức đường xa

Theo thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), ở Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10-20% và rau quả là 10-30%. Nguyên nhân gây ra tổn thất rau củ quả XK có thể đến từ việc thu hoạch, bảo quản, vận chuyển. Trong đó, bao bì không đạt chuẩn gây ra hao hụt lượng hàng rất cao và giảm chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… càng mở rộng đường cho doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả. Hai tháng đầu năm 2021, XK rau củ quả sang Mỹ đạt 23,4 triệu USD, chiếm 4,2% tỷ trọng XK toàn ngành. Mỹ là thị trường XK lớn thứ hai với thị phần chiếm khoảng 4-5% tổng kim ngạch XK rau củ quả, tốc độ tăng trưởng XK bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 24,4%.

Rau củ quả đến được các thị trường châu Âu và Mỹ kéo dài nhiều ngày, đòi hỏi phương pháp bảo quản hạn chế sự hô hấp và thoát ẩm, phải diệt được vi sinh vật và nấm mốc gây bệnh. Cơ hội vào các thị trường khó tính đã rộng mở, nhưng để chiếm được lòng tin của đối tác, doanh nghiệp phải giữ được chất lượng rau củ quả khi đến tay người tiêu dùng bằng các phương pháp bảo vệ không có chất hóa học.

Với nhóm sản phẩm ứng dụng công nghệ hóa sinh bảo quản rau củ quả trong nhiều ngày được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho Phạm Quốc Bảo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ để giới thiệu nhiều mẫu bao bọc rau củ quả an toàn, đảm bảo nguyên vẹn chất lượng”, Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

Theo doanhnhansaigon.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới