Với quyết tâm này, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS tỉnh Đồng Tháp năm 2021 cần tập trung phân tích những mặt được, hạn chế, xác định nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng các chỉ số trong năm 2022.
Theo Sở Nội vụ, năm 2021 PAPI tỉnh Đồng Tháp đạt 42,43 điểm (giảm 4,53 điểm so với năm 2020), xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ hai so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. SIPAS đạt 89,15%, tăng 0,09% so với năm 2020, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Riêng đối với PAR Index 2021 của tỉnh đạt 86,80%, tăng 0,03% so với năm 2020, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” giữ vững vị trí thứ nhất trong cả nước; 03/08 chỉ số thành phần tăng so với năm 2020, trong đó, chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” tăng nhiều nhất với 5,95%, chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” tăng 5,06% và chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” tăng 2,37%.
Tuy nhiên, trong năm 2021 vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cũng như sự hài lòng của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính công. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ ở cả 03 cấp chính quyền; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến tốt hơn nhưng còn ở mức khiêm tốn v.v..
Với kết quả và hạn chế được chỉ ra, từng đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình và Cao Lãnh đã có tham luận, thảo luận chia sẻ về giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện để cải thiện các chỉ số trên trong thời gian tới.
Một trong những điểm mấu chốt để cải thiện các chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS trong năm tới, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đó là phải đổi mới công tác tuyên truyền đến người dân. Đưa các quy trình, thủ tục hành chính, các thông tin cần công khai đến người dân bằng nhiều hình thức, trong đó có tận dụng tiện ích của mạng xã hội, công nghệ số, để làm sao mỗi người dân đều có App trên điện thoại về thủ tục hành chính, thuận tiện trong truy cập.
Từng địa phương, sở, ngành phải có ít nhất một mô hình, cách làm đột phá trong cải cách hành chính. Cùng với đó là xây dựng bộ dữ liệu thông tin của tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục hành chính để giảm bớt số lần kê khai, cũng như nhanh chóng trong thực hiện các thủ tục – ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị.
Người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, do đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh phải thay đổi tư duy, cách làm; ứng xử văn hóa phù hợp, thể hiện được bộ mặt, hình ảnh của địa phương. Bên cạnh đó, phải luôn lắng nghe, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân, nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; có bộ phận tổng hợp, theo dõi thực hiện các Chỉ số v.v..
Nguyệt Ánh – Cổng Thông tin Đồng Tháp