12.8 C
New York
Thứ Ba, 30 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp – xây dựng

ĐTO – Qua triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001 – 2010 (viết tắt Nghị quyết số 21) và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (viết tắt Kết luận số 28) cho thấy, cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

Các ngành và địa phương quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn

Tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp – xây dựng

Sau khi có Nghị quyết số 21, Kết luận số 28 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từng nhiệm kỳ, giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Tháp trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản và sản xuất công nghiệp chế biến nông, thủy sản của cả nước; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, phấn đấu đưa kinh tế của tỉnh xếp vào hàng khá trong khu vực vùng ĐBSCL, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Đất Sen hồng.

Tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế dựa trên nông nghiệp, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, cải thiện chất lượng mô hình tăng trưởng trên nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu. Do vậy, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, phát huy dần lợi thế của từng địa phương, từng ngành hàng, từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 36,16%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 19,62%; khu vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng 44,22%. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,6 triệu đồng.

Phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm đồng bộ, cân đối, hiệu quả giữa sản xuất công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở tồn trữ, thương mại hóa, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp. Phát huy tối đa nội lực (vốn, tay nghề, quản lý, nguyên liệu) kết hợp tích cực thu hút đầu tư nhằm tăng trưởng nhanh và thu hút vốn, công nghệ, mở rộng thị trường. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 tăng 10,92%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 tăng 6,86%/năm. Tỉnh quy hoạch chi tiết 3 khu công nghiệp với diện tích 253ha và 16 cụm công nghiệp với diện tích 253,5ha. Đến năm 2020, theo quy hoạch điều chỉnh, Đồng Tháp sẽ hình thành 10 khu công nghiệp, trong đó có 2 Khu mở rộng (Khu công nghiệp Sa Đéc mở rộng, Khu công nghiệp Trần Quốc Toản mở rộng) với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.260ha và 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.290ha. Kết quả thực hiện đến năm 2020, đã thành lập 4 khu công nghiệp gồm: Sa Đéc, Trần Quốc Toản, sông Hậu, Tân Kiều và 16 cụm công nghiệp.

Theo đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị, Đồng Tháp đề ra mục tiêu và chỉ tiêu phát triển của địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Tháp đứng vào hàng khá trong vùng ĐBSCL; có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, thông minh. Nhất là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chất lượng cao theo hướng tăng trưởng xanh và trên cả ba trụ cột: kinh tế – xã hội và môi trường trong mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL và của cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021 – 2025 tăng bình quân 7,5%/năm và 2026 – 2030 tăng bình quân 7,5 – 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng vào năm 2025 và đạt trên 180 triệu đồng vào năm 2030. Đến năm 2030, nông nghiệp, lâm nghiệp – thủy sản chiếm 25%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 24%; dịch vụ (kể cả thuế) chiếm trên 51% GRDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (giá hiện hành) đến năm 2025 khoảng 20.700 – 23.300 tỷ đồng và đến năm 2030 khoảng 24.000 – 27.300 tỷ đồng.

Chế biến gạo xuất khẩu được xem là một thế mạnh về sản xuất công nghiệp của tỉnh

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm

Tỉnh triển khai thực hiện phát triển văn hóa trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là hoạt động của các thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở từng bước trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm văn minh đô thị” được triển khai thực hiện sâu rộng với những việc làm cụ thể. Đến năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 92%. Hình ảnh con người Đất Sen hồng nghĩa tình, năng động, sáng tạo được kế thừa qua các thế hệ và trở thành niềm tự hào trong mỗi con người Đồng Tháp.

Các ngành hữu quan tập trung rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đúng hướng dẫn Trung ương và phù hợp điều kiện địa phương. Tăng cường đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động được đào tạo (kể cả ngắn hạn) đến năm 2025 là 78,6% và đến năm 2030 là 87,4% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2025 là 57,2% và đến năm 2030 là 63,8%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 giảm còn dưới 3% và giai đoạn 2026 – 2030 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm.

Tỉnh chủ động phòng, chống dịch bệnh, khống chế và dập tắt kịp thời các ổ dịch, không để dịch lớn xảy ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các loại dịch vụ y tế chất lượng cao. Thực hiện tốt công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em. Hoàn thành đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện chuyên khoa; xây dựng khu dưỡng lão chất lượng cao đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống, chỉ số phát triển con người (HDI). Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia tích cực các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, nhất là nguồn nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Với định hướng phấn đấu Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”, tỉnh đã ra mắt và vận hành Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và Khởi nghiệp để hỗ trợ và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mới tiếp cận chính sách. Thu hút được sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, lan tỏa tinh thần tự thân lập nghiệp rộng khắp, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, TP Hồng Ngự, tạo động lực phát triển chung toàn tỉnh. Khai thác thế mạnh vị trí địa lý đầu nguồn sông Mê Kông, nguồn lực tự nhiên và thế mạnh nông nghiệp đã tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến, giao thương hàng hóa và phát triển du lịch trong mối liên kết vùng. Từng bước hình thành các ngành hàng lúa gạo, cá tra theo chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các ngành, các cấp nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, năng động, đổi mới, luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn riêng của tỉnh Đồng Tháp, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao, lựa chọn Đồng Tháp là điểm đến hợp tác đầu tư trong thời gian qua.

DŨNG CHINH – BÁO ĐỒNG THÁP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới