4.4 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Phụ nữ Đồng Tháp tự tin trên con đường khởi sự, lập nghiệp

Có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhưng thực tế hiện nay, người phụ nữ không chỉ dừng lại với vai trò trong gia đình mà còn theo đuổi khát vọng và đam mê. Tại Đồng Tháp, nhiều chị em phụ nữ đã chủ động, tự tin trên con đường khởi sự, lập nghiệp của chính mình. Đến nay, nhiều mô hình khởi nghiệp của phụ nữ đã gặt hái được những thành công nhất định, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho chính mình và quê hương.

Khởi nghiệp từ “Tài nguyên bản địa”

Chị Nguyễn Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ba Tre với giấc mơ làm giàu từ sen

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là xứ sở của loài hoa sen thuần khiết, chị Nguyễn Thúy Kiều (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đã nuôi dưỡng cho mình tình yêu hoa sen từ thuở bé, rồi lại chọn chính loại cây này để khởi nghiệp. Câu chuyện khởi nghiệp của chị Kiều đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ.

Bắt đầu con đường khởi nghiệp từ năm 2016, với sản phẩm sữa hạt sen, có lúc chị tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi khó khăn về vốn, trang thiết bị, cộng thêm đây là sản phẩm mới, chưa thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chính tình yêu mãnh liệt dành cho loài hoa thuần khiết này đã giúp chị vượt qua khó khăn và thành quả sau 06 năm gầy dựng đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ba Tre với chỗ đứng nhất định trên thị trường, không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần tạo việc làm cho một bộ phận lao động ở địa phương.

Ngoài sữa hạt sen, Công ty của chị Kiều còn phát triển thêm các mặt hàng như: Bột sữa hạt sen, trà sen, rượu sen, hạt sen sấy khô v.v.. Với nhu cầu sản xuất ngày càng tăng cao, đến nay cơ sở đã liên kết thu mua sen với diện tích trên 05 ha, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ánh mắt lấp lánh niềm vui, chị Kiều chia sẻ về những dự định ấp ủ của mình trong tương lai, đó là tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm mới nhằm phát huy giá trị tài nguyên bản địa, sản xuất theo tiêu chuẩn để đưa sản phẩm vào siêu thị và các hệ thống phân phối lớn. Hiện Công ty đã có 04 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, sắp tới đây sẽ tiếp tục đăng ký thêm 02 sản phẩm là bánh nếp và trà gạo lứt tim sen.

Có thể nói, thương hiệu các sản phẩm từ sen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ba Tre ngày càng được khẳng định trên thị trường chính là “quả ngọt” giúp chị Kiều có thêm động lực để phấn đấu và không ngừng sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo bắt nguồn từ sen.

Đưa hương vị nước mắm truyền thống “bay xa”

Chị Phan Thị Kim Diệu khởi nghiệp với nghề làm nước mắm cá linh truyền thống của gia đình

Cơ sở Nước mắm cá linh Dì Mười được ra đời từ năm 2018, vẫn giữ được hương vị thơm ngon truyền thống, tuy nhiên được chị Phan Thị Kim Diệu chăm chút cho bao bì sản phẩm thêm bắt mắt và sản xuất đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện sản phẩm đã có mặt ở nhiều nơi như: Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong năm qua đã ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị Big C và Trung tâm thương mại Gigamall.

Bình quân mỗi năm, Cơ sở sản xuất khoảng 15.000 lít đến 20.000 lít nước mắm các loại. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, hiện tại Cơ sở đã cho ra thị trường nhiều dòng sản phẩm khác như: Nước mắm nhỉ, nước mắm nấu, mắm cá linh, mắm cá chốt, khô các loại v.v..

Nước mắm cá linh Dì Mười giờ đây đã trở thành niềm tự hào để chị Phan Thị Kim Diệu tự tin đứng trên sân khấu cuộc thi khởi nghiệp và nói về khát khao lưu giữ những giá trị truyền thống. Để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp tại Cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021, chị Phan Thị Kim Diệu đã giành được giải Nữ Doanh nhân ấn tượng nhất và sản phẩm Nước mắm cá linh Dì Mười đạt giải khuyến khích.

Nữ kỹ sư khởi nghiệp từ Cây giống cấy mô

Nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng khởi nghiệp bằng niềm đam mê với Cây giống cấy mô

Sau 04 năm theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, cô kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng (ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) đã tìm được một công việc ở Đồng Nai. Tuy nhiên, mãi đau đáu với sự phát triển nền nông nghiệp tại tỉnh nhà, Phượng Hằng trở về quê và bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình với “Cây giống cấy mô HF”.

Có niềm đam mê nghiên cứu cộng với chuyên ngành được đào tạo bài bản, thế nhưng con đường khởi nghiệp của cô kỹ sư trẻ này chưa bao giờ dễ dàng. Không bỏ cuộc, Hằng vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chọn được loại cây giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Để nuôi cấy được cây mô đòi hỏi môi trường phòng thí nghiệm phải luôn sạch sẽ, tiệt trùng, thường xuyên theo dõi để điều chỉnh hàm lượng các chất trong môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện cho cây phát triển. Đáp lại quá trình nghiên cứu kỳ công ấy là cây giống cấy mô sau khi trồng có tốc độ sinh trưởng nhanh, đồng đều, ít sâu bệnh.

Tại Cuộc thi khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021, Dự án sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô của Nguyễn Phượng Hằng xuất sắc giành được giải Nhì và cũng chính dự án này một lần nữa được vinh danh tại Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (đạt giải Ba).

Sau thành công với cây chuối giống cấy mô, trong thời gian tới, Hằng sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện thêm một số giống cây mới như: Khoai môn, gừng, hoa, kiểng lá v.v. – nữ kỹ sư 9X chia sẻ.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.600 sản phẩm đăng ký khởi nghiệp, trong đó có 740 sản phẩm được công nhận, đồng thời hỗ trợ 47 sản phẩm được tiếp cận vốn, với số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 270 sản phẩm OCOP, trong đó có 109 sản phẩm của 39 chủ thể là nữ (chiếm 42%).

Từ sự cần cù, siêng năng trong công việc hằng ngày đến sáng tạo khởi nghiệp, tham gia vào các mô hình kinh tế đã cho thấy vị trí của người phụ nữ ngày nay không còn quanh quẩn trong gác bếp. Người phụ nữ hiện đại đã đủ bản lĩnh, tự tin để biến ước mơ, khát vọng của mình thành hiện thực, vươn lên làm giàu cho chính mình và đóng góp cho xã hội.

Việt Tiến – Cổng Thông tin Đồng Tháp
0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới