Thương mại điện tử được hiểu nôm na là hình thức bán hàng trên internet, bán hàng online. Chỉ cần có điện thoại thông minh được kết nối internet thì việc mua – bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trở nên dễ dàng, nhất là trong đợt giãn cách xã hội do Covid-19 vừa qua thì thương mại điện tử trở thành kênh cung cấp, phân phối hàng hóa hiệu quả.
Không chỉ có sự tiện lợi, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử còn là xu thế tất yếu khi hiện nay công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Người dân Đồng Tháp, từ các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đến các hợp tác xã, nông dân đã thích ứng khá nhanh nhạy với xu thế này.
Theo Sở Công Thương, Đồng Tháp hiện có hơn 300 sản phẩm nông đặc sản của 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp lên 05 sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo. Đây phần lớn là những sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp, được chứng nhận sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Để đẩy mạnh kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ 486 cơ sở sản xuất có tài khoản bán hàng/gian hàng trên 02 sàn thương mại điện tử Voso và Postmart. Qua Voso và Postmart đã tiêu thụ hơn 1.533 tấn nông sản của Đồng Tháp. Ngoài sản phẩm chế biến, nông sản, hiện có 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tham gia sàn thương mại điện tử này.
Một trong những đơn vị kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử có thể kể đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ba Tre (huyện Tam Nông). Chị Nguyễn Thúy Kiều – Giám đốc Công ty chia sẻ, chị kinh doanh sản phẩm của công ty mình sản xuất bằng hình thức online từ năm 2019 nhưng phát triển mạnh nhất là năm 2021 vừa qua và bán nhiều nhất qua sàn Tiki.
Một phần là do dịch bệnh nên lượng đơn hàng online nhiều (bình quân mỗi tháng có trên 100 đơn hàng) nhưng điều quan trọng là Công ty phải thường xuyên kiểm tra đơn hàng, tham gia nhiều kênh online, chăm sóc khách hàng chu đáo, sản phẩm chất lượng. Nhờ phát triển kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên giải quyết được khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong đợt dịch Covid-19 – chị Nguyễn Thúy Kiều cho biết thêm.
Bên cạnh đưa hàng hóa lên trên các sàn thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã còn lập website, mở kênh youtube, Vlog v.v. để bán hàng. Điển hình là Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp (thành phố Cao Lãnh), với địa chỉ web: htxdacsandongthap.com. Hợp tác xã có khoảng 60 thành viên, phần lớn thành viên hợp tác xã là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng của Đất Sen hồng.
Ra mắt website để kinh doanh sản phẩm đặc sản vào tháng 7/2021, ngay vào thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Hợp tác xã nhận “nhiệm vụ đặc biệt” là kênh kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả, đặc biệt là khoai lang tím của huyện Châu Thành, nhãn và nhiều nông sản khác. Thông qua htxdacsandongthap.com và Fanpage, Zalo của Hợp tác xã, khách hàng biết đến sản phẩm của Đồng Tháp nhiều hơn, cao điểm mỗi ngày có khoảng 50 đơn hàng online và cũng từ kênh bán hàng này đã đưa nông sản, đặc sản Đồng Tháp đi xa hơn.
Chị Bùi Thị Thanh Thủy – Giám đốc Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp cho biết, đến thời điểm hiện tại, kênh online của hợp tác xã là nguồn chính để tiếp nhận đơn hàng nên có đội ngũ tiếp nhận đơn hàng liên tục. Qua kênh online, hợp tác xã có cơ hội tương tác nhiều hơn với khách hàng, từ tư vấn lựa chọn sản phẩm đến nhận góp ý, phản hồi từ khách. Vì vậy, hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh thương mại điện tử, trong đó chú trọng nhiều hơn đến các tuần hàng đặc sản Đồng Tháp, gắn với các sự kiện lớn để vừa tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương, vừa tăng doanh thu cho hợp tác xã.
Tại Cơ sở hoa kiểng Hùng Thy (Làng hoa Sa Đéc), bên cạnh cung cấp hoa kiểng, kinh doanh điểm tham quan du lịch Happy Land Hùng Thy, anh Nguyễn Ngọc Hùng – chủ cơ sở còn mở Shop hoa online Hùng Thy để phát triển kênh bán hàng online.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, việc bán hàng online ban đầu xuất phát từ tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, người mua hoa kiểng không thể trực tiếp đến tận vườn để lựa chọn, do đó Cơ sở mở kênh bán hàng online để tiêu thụ hoa kiểng. Sau một thời gian triển khai, thấy rất hay và tiện lợi. Hiện nay, Cơ sở đưa việc bán hàng online lên hàng đầu, vừa để kinh doanh, vừa xây dựng và quảng bá hình ảnh của Hùng Thy cũng như giới thiệu về hoa kiểng tại làng hoa Sa Đéc.
Trên Youtube, khách hàng ở khắp mọi nơi có thể dễ dàng tìm thấy cái tên “Hoa kiểng Hùng Thy Vlog (Happy land Hùng Thy)”. Cơ sở có một đội ngũ bán hàng online chuyên nghiệp, thực hiện góc quay đẹp, đa dạng về sản phẩm hoa, kiểng, đặc biệt là người giới thiệu sản phẩm luôn am hiểu được đặc tính, những nét đẹp, ý nghĩa của các loại hoa, kiểng để giới thiệu đến khách hàng. Mỗi ngày, Shop hoa online Hùng Thy đều livestream trên Facebook và đăng video mới nhất lên Youtube, Vlog để giới thiệu và bán sản phẩm.
Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Tháp về chuyển đổi số đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử và trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung – cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến.
Do đó, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương tiếp tục kết nối, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như nông dân tham gia nhiều hơn nữa. Để việc hỗ trợ này sát với nhu cầu các đơn vị, Sở sẽ phân nhóm đối tượng theo mức độ tiếp cận với thương mại điện tử – bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.
Bà Võ Phương Thủy cũng cho biết, tín hiệu vui cho thương mại điện tử của tỉnh trong năm 2022 đó là Sở Công Thương Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Tiki, Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo, Hội Công nghệ cao, Big C về phát triển thương mại điện tử và xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản; ký kết với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn thực hành sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng là đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong kết nối cung cầu, phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số thời gian qua.
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, năm 2021, Sở đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký mới 62 tên miền quốc gia .vn; phối hợp, hỗ trợ xây dựng 10 website miễn phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán để quảng bá thương hiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp, hoa kiểng và du lịch v.v..
Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia sàn thương mại điện tử, tập huấn kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp; tổ chức giao dịch trên sàn thương mại điện tử, cũng như xây dựng thói quen cho người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử v.v..
Bên cạnh những lợi ích của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, hoạt động này cũng có những nguy cơ, thách thức như: Lợi dụng thương mại điện tử để mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng các kênh thương mại điện tử để hoạt động vi phạm pháp luật v.v..
Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tuyên truyền cảnh báo rủi ro trên các kênh thông tin liên quan nhằm giúp khách hàng nâng cao nhận thức về rủi ro, cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch thanh toán đảm bảo an toàn. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và công nghệ, nhất là kinh doanh trái phép, trốn thuế, gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. |
Nguyệt Ánh