8.6 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Vững niềm tin, tăng tốc phục hồi

Năm 2021 vừa khép lại với bộn bề khó khăn, thách thức do tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Song, bằng sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Đồng Tháp đã phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh cho toàn dân.

Nhân dịp đầu năm năm mới 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp về những kết quả nổi bật trong năm qua và định hướng, kỳ vọng năm mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa

Phóng viên: Kính thưa Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa! Năm 2021, “bão” Covid-19 tiếp tục hoành hành đã tác động như thế nào đến kinh tế – xã hội của tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Có thể nói, đại dịch Covid-19 là cú sốc y tế mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong năm qua, bên cạnh phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chúng ta tiếp tục đương đầu, chống chọi với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm.

Cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, từ giữa năm 2021, Đồng Tháp phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân, tạo sự ngưng trệ trong tất cả các hoạt động, nhất là việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch v.v..

Theo thống kê sơ bộ ban đầu của Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội tỉnh, trong 02 năm 2020, 2021, tỉnh tổn thất khoảng 8.000 tỷ đồng.

Phóng viên: Trong bối cảnh ấy, tỉnh đã nỗ lực vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ như thế nào và kết quả nổi bật ra sao?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với quan điểm đúng đắn, cùng sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã rất nỗ lực, chọn hướng đi đúng, với phương châm “Cao một mức và nhanh một bước” để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép như đã đề ra.

Điều đáng mừng là mặc dù trong thời điểm giãn cách xã hội, lợi thế về nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ, là thế mạnh kinh tế của tỉnh và giá trị sản xuất nông nghiệp duy trì mức cao so với cùng kỳ (tăng 3,04%).

Với sự linh hoạt thích ứng vượt khó của các doanh nghiệp nên đã duy trì sản xuất, không làm đứt gãy lớn các chuỗi ngành hàng và ngay từ tháng 10 khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã vào cuộc, tái hoạt động trở lại một cách mạnh mẽ, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh tăng ở mức cao so cùng kỳ 2020 (xuất khẩu tăng 12,2%, nhập khẩu tăng 37,4%).

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hoá, giáo dục vẫn duy trì; công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo ổn định.

Đây là kết quả từ sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà. Với vai trò là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh, tôi thật sự cảm kích và xin được tri ân tất cả đã nỗ lực vượt khó, cùng chung tay, góp sức vì sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng.

Phóng viên: Trong rất nhiều thông điệp tích cực được truyền đến đội ngũ lãnh đạo các sở, ngành và địa phương thì “tìm cơ trong nguy” luôn được người đứng đầu UBND tỉnh nhắc đến nhiều nhất. Vậy theo ông, đâu là cơ hội trong năm 2022?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trong “cuộc chiến” không tiếng súng này, kẻ thù giấu mặt rất nhanh, nguy hiểm và khó lường. Đây cũng là “phép thử” hữu hiệu đối với lãnh đạo các cấp, các ngành. Chính vì vậy, tại nhiều hội nghị hay trong những chuyến đi cơ sở, tôi luôn nhắc nhở các anh em “tìm cơ hội trong nguy khó”, phải giữ vững tinh thần, niềm tin, bản lĩnh, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Chúng ta không được buông xuôi, phải nỗ lực vì niềm tin và sự trông đợi rất lớn của người dân.

Tính đến ngày 31/12/2021, tại Đồng Tháp, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 đạt hơn 93% dân số trong độ tuổi; tiêm mũi nhắc lại đạt 4,75%. Đây là yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin hơn trong việc mở cửa trở lại.

Song song đó, tình hình khôi phục sản xuất kinh doanh có chuyển biến mạnh và tích cực, nhiều địa phương nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khôi phục hoạt động. Đến nay, hơn 97% cơ sở khôi phục, riêng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tỷ lệ khôi phục đạt 93%. Ngoài ra, tình hình khôi phục hoạt động của các công trình có chuyển biến tích cực, tổng số công trình đang hoạt động là 1.104/1.122 công trình, chiếm tỷ lệ 98,57% tổng số công trình.

Trong năm qua, có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư 5.504 tỷ đồng; nhiều nhà đầu tư lớn như: NovaGroup, T&T, Futa Group, Everland, Lalaland v.v. đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng tại địa phương.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2021 sẽ là điều kiện, là nền tảng thuận lợi để kinh tế tỉnh tiếp tục phát triển đi lên trong năm 2022.

Cụ thể, Đồng Tháp sẽ tiếp tục thúc đẩy Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và giảm nghèo; tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ và đồng hành doanh nghiệp, khởi nghiệp, tạo động lực khôi phục và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực kinh tế.

Ngoài ra, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khoẻ; chăm lo đời sống tinh thần nhân dân; tập trung xây dựng chính quyền các cấp thực sự là chính quyền thân thiện, phục vụ của dân và vì dân v.v..

Phóng viên: Được biết, thông điệp năm 2022 của tỉnh là “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế – Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”.  Như vậy, “thích ứng” có phải là điều kiện tiên quyết để phát triển trong giai đoạn hiện nay? Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về thông điệp này?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: “Thích ứng” là yêu cầu tất yếu và phù hợp trong thời gian tới. Tại hội nghị tổng kết năm vừa qua, tôi cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương đánh giá kết quả đạt được trong năm qua, nhất là các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong năm mới với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, với slogan “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế – Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”.

Tôi cho rằng, với sự thích ứng nhanh, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhất là, một khi có niềm tin vững chắc niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền, kinh tế tỉnh sẽ hồi sinh và lấy lại đà phát triển.

Phóng viên: Trước thềm năm mới, ông có nhắn nhủ gì đến người dân Đất Sen hồng?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Quyết tâm lớn, mục tiêu cao, song khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều. Tôi mong rằng, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhân dịp đầu năm mới và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần 2022, tôi chúc toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cùng với bà con nhân dân đang sinh sống, học tập, công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đón năm mới với niềm tin và khí thế mới; người người, nhà nhà đều vui tươi, hạnh phúc, bình an và thịnh vượng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương
0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới