2.8 C
New York
Thứ bảy, 23 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

5 bài học đau đớn từ phim “Startup” của Hàn Quốc: Nếu thành công thì được gọi là giám đốc, thất bại thì bị gọi là kẻ lừa đảo!

“Startup” không chỉ dừng lại ở một bộ phim tình cảm lãng mạn thường thấy của Hàn Quốc mà còn đem lại nhiều bài học quý giá, thực tế cho giới khởi nghiệp.


“Startup” là một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, ra mắt khán giả vào năm 2020. Không chỉ nhận được sự quan tâm của khán giả nhờ dàn diễn viên nổi tiếng, tài năng như Suzy, Nam Joo Hyuk, Kim Seon Ho,… mà “Startup” còn gây chú ý khi khai thác đề tài khá mới lạ đối với làng phim ảnh xứ kim chi – khởi nghiệp.

16 tập phim, mỗi tập dài khoảng 80 phút kể lại hành trình gian nan, nhiều chông gai của một nhóm người trẻ từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến ngày gặt hái thành công.

Trong đó, nữ chính Seo Dal Mi đã nối bước tinh thần khởi nghiệp của người cha quá cố bằng cách tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Còn nam chính Nam Do San – một thần đồng về IT, cùng 2 người bạn khác là Kim Yong San và Lee Chul San sáng lập ra Công ty Công nghệ Samsan, làm về công nghệ nhận diện hình ảnh. Tuy nhiên, sau 2 năm, Samsan vẫn chưa thể gọi vốn thành công do chỉ tập trung phát triển công nghệ, không có mô hình và cũng không biết đến các khái niệm kinh doanh.

Nữ chính Seo Dal Mi

Trong cuộc thi startup, những người trẻ này đã tập hợp thành một đội, phát triển nên ứng dụng giúp nhận diện hình ảnh và thông báo kết quả bằng âm thanh, đặc biệt có ích đối với người khiếm thị và mắt mờ.

Toàn bộ câu chuyện chủ yếu diễn ra trong Sand Box – lấy cảm hứng từ Silicon Valley, là trung tâm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Tại đây có đầy đủ những thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp, từ startups đến nhà đầu tư, tập đoàn lớn,… cùng nhiều tình huống gần gũi như gọi vốn, phát triển mô hình kinh doanh, mở rộng, sáp nhập,… Dù bộ phim vẫn mang nhiều tính lãng mạn như truyền thống của phim Hàn Quốc nhưng mặt khác, “Startup” đã đem lại nhiều cảm hứng, bài học giá trị và thực tế cho những người khởi nghiệp.

Mới khởi nghiệp mà chạy theo lợi nhuận thì chẳng khác nào uống nước biển

Người cha quá cố của nữ chính Seo Dal Mi từng khởi nghiệp với một nền tảng cho phép đặt món ăn trực tuyến – mô hình mới chưa từng có tại thời điểm ấy (tương tự như UberEat, Now, GrabFood… hiện nay). Tuy nhiên, khi kêu gọi vốn đầu tư, ông bị hỏi khó vì mô hình chưa hề có lợi nhuận mà vẫn đang “đốt” tiền để thu hút lượng lớn người dùng.

Dẫu vậy, ông vẫn nhận được cái gật đầu từ một nhà đầu tư cùng lời khuyên: “Những người như anh chỉ có 2 kết cục, hoặc chết khát, hoặc sống sót. Dù có khát nước đến đâu cũng không nên uống nước biển, phải chịu đựng được đến lúc trời mưa thì mới sống sót. Nói cách khác, mới bước vào khởi nghiệp mà đã chạy theo lợi nhuận thì chẳng khác gì uống nước biển”.

Không chỉ vậy, nhà đầu tư này còn chỉ ra một hiện thực đau đớn của startup: “Nếu thành công thì được gọi là Giám đốc, nếu thất bại thì bị gọi là kẻ lừa đảo”.

Giám đốc mà không có cổ phần thì chẳng là gì!

Won In Jae – chị gái của nữ chính Seo Dal Mi, là người có năng lực, vốn giữ chức Giám đốc trong một công ty của bố dượng nhưng bất ngờ bị “đá văng” khỏi ghế. Đáng nói, cô không thể kháng cự vì chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhỏ.

Won In Jae đã tự rút ra bài học cho bản thân: “Bắt đầu dễ dàng thì cũng bị cướp đi dễ dàng. Giám đốc mà không có cổ phần thì chẳng là gì cả”.

Won In Jae – chị gái Seo Dal Mi, sau khi bị “đá” khỏi công ty của bố dượng, đã quyết định khởi nghiệp.

Trường hợp này không hề hiếm trong thực tế. Ngay tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, startup Hoa Nắng đã bị nhiều “cá mập” từ chối đầu tư vì bộ đôi nhà sáng lập kiêm CEO chỉ giữ 6% cổ phần, 94% còn lại thuộc về cá nhân khác nhưng chưa hề rót vốn.

Một vấn đề khác cũng được đề cập trong bộ phim, đó là tình huống phân chia tỷ lệ cổ phần giữa các thành viên sáng lập.

“Nếu chia đều cổ phần, dù nhóm sáng lập công ty là bạn thân thiết với nhau, trong trường hợp xấu nhất, đồng nghiệp có thể phản bội, bắt tay với nhà đầu tư để điều khiển công ty. Muốn phòng ngừa những chuyện này, ban đầu phải dồn phần lớn cổ phần cho nhân vật chủ chốt”.

“Việc giao quyền cho Giám đốc trong giai đoạn đầu khởi nghiệp rất quan trọng. Nếu chia cổ phần ít cho Giám đốc thì sẽ ngáng chân họ trong các quyết định”, lời khuyên từ cố vấn – nhà đầu tư Han Ji Pyeong.

Thế nào là giám đốc tốt?

Seo Dal Mi chưa từng có kinh nghiệm khởi nghiệp, cũng chưa bao giờ giữ các vị trí quản lý.

Nhà đầu tư, cố vấn Han Ji Pyeong đóng vai “ác” khi luôn đưa ra những nhận xét, lời khuyên khắt khe.

Khi đi tìm đáp án cho câu hỏi “Thế nào là một CEO tốt”, cô nhận được lời khuyên từ nhà đầu tư Han Ji Pyeong: “Không có một giám đốc tốt. Kinh tế không có đáp án như đi thi đại học, sao cứ cố tìm đáp án không có trên đời. Đừng tìm đáp án mà hãy lựa chọn. Dù chọn gì cũng sẽ bị chỉ trích, nếu sợ bị chỉ trích thì không nên quyết định gì cả. Một giám đốc không thể quyết định thì không đủ tư cách. Không thể vừa làm người tốt, vừa làm giám đốc”.

Nguy cơ “sáp nhập” trá hình từ công ty lớn

Sau khi chiến thắng tại cuộc thi startup “Demo day”, công ty Samsan được một Tập đoàn lớn từ Thung lũng Silicon Valley mời sáp nhập với giá 3 tỷ won.

5 thành viên của Công nghệ Samsan đã “tan đàn xẻ nghé” sau sáp nhập.

Lời hứa hẹn đưa cả nhóm 5 người đến làm việc tại Thung lũng Silicon, tiếp tục phát triển ứng dụng ban đầu đã nhanh chóng thuyết phục được cả Seo Dal Mi và đồng đội. Tuy nhiên, những hứa này chỉ dừng lại ở lời nói mà không có trong hợp đồng đã ký. Ngay sau đó, đối tác đã “trở mặt”, chỉ tiếp nhận 3 chàng kỹ sư công nghệ và thẳng tay loại bỏ CEO cùng một nhân viên thiết kế khác.

Tình huống này được nhận định là một kiểu Acquihire điển hình, tức sáp nhập để tuyển nhân tài.

“Họ không sáp nhập vì giá trị công ty mà là để tuyển dụng kỹ sư. Ngay sau khi ký hợp đồng, cả đội sẽ bị tách ra”.

Lời khuyên cho dân IT

Sau biến cố từ việc sáp nhập, 3 chàng kỹ sư Nam Do San, Kim Yong San và Lee Chul San đã đến Thung Lũng Silicon làm việc 3 năm, sau đó quyết định trở về nước khởi nghiệp lần nữa. Tuy nhiên, họ chưa biết sẽ kinh doanh mô hình gì.

Những chàng trai một lần nữa nhận được lời khuyên từ nhà cố vấn cũ – Han Ji Pyeong: “Nếu chỉ yêu thích lập trình và muốn tạo ra sản phẩm thì chỉ cần làm lập trình viên ở nơi có lương cao. Nếu cảm thấy thích thú khi thành lập doanh nghiệp và dẫn dắt nó thì chỉ cần kinh doanh. Con đường khởi nghiệp có nhiều mệt mỏi hơn là vui vẻ. Sức mạnh duy nhất để chống chọi và vượt qua những điều lúc đó là làm điều mình thích”.

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới