17.8 C
New York
Chủ Nhật, 8 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Giới thiệu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

         1. Thông tin chung:

Chương trình mỗi xã một sản phẩm có tên tiếng Anh là One commune One product, viết tắt là OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến
thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Logo của Chương trình:

Chữ O màu nâu: Tượng trưng cho đất, nền tảng của sản xuất, cuộc sống của lãng, xã.

Chữ C màu xanh lá cây: Tượng trưng cho sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững.

Chữ O màu xanh nước biển: Tượng trưng cho trí tuệ, sức mạnh của con người.

Chữ P màu vàng: Tượng trưng cho lợi ích, lợi nhuận của chương trình mà mỗi người dân, tổ chức tham gia được hưởng lợi).

2. Quá trình hình thành Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” bắt đầu được khởi xướng ở Oita (Nhật Bản) từ năm 1979, nhằm khuyến khích mỗi làng lựa chọn một sản phẩm đặc biệt cho khu vực và phát triển nó lên một tiêu chuẩn quốc gia và toàn thế giới.

Mục tiêu ban đầu của Phong trào này là khuyến khích người dân nông thôn làm sống lại các giá trị tốt đẹp của quê hương mình, qua đó làm tăng thu nhập và cải thiện bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa hơn chính là thông qua các hoạt động này, tạo sức quyến rũ của khu vực nông thôn, hạn chế sự di dân tự do ra các thành phố và khu công nghiệp lớn trong cả nước, xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực này trong tương lai, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch để đạt đến sự cân bằng về kinh tế cũng như về xã hội giữa vùng nông thôn của địa phương với các thành phố lớn.

Sự phát triển của “Mỗi làng một sản phẩm” được xem như một cách tăng cường kỹ năng kinh doanh của các cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng các nguồn lực, kiến thức địa phương, tạo ra giá trị bổ sung thêm thông qua hoạt động xây dựng thương hiệu của sản phẩm địa phương và xây dựng nguồn nhân lực trong nền kinh tế địa phương.

“Một sản phẩm” dùng để chỉ sản phẩm đặc trưng của một cộng đồng dân cư nào đó tạo ra.Sản phẩm này thường có những đặc điểm rất riêng biệt của nơi sản xuất ra nó, khiến cho mọi người có thể dễ dàng nhận ra nơi sản xuất giữa những sản phẩm cùng loại. Sản phẩm có thể bao gồm: 1) các loại nông, lâm sản đặc trưng trong vùng; 2) tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm chế biến… 3) các sản phẩm dịch vụ (du lịch hay đơn thuần chỉ là những bài dân ca hoặc kỹ thuật canh tác nông nghiệp như dịch vụ du lịch xanh…).

Chương trình đã được lan rộng ra nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia, Lào, Kenya, Ethiopia, Mozambique, Uganda, Tanzania, Nigeria, Zambia, Madagascar, Nam Phi, Senegal, Ghana và Malawi,…

Ở Việt Nam, tiếp cận và phát triển OVOP đã được một số địa phương áp dụng như: Hà Nội (OVOP), Quảng Ninh (OCOP)… nhằm khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp nông thôn thế mạnh của các địa phương. Trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm tiếp cận đến những mục đích như sau:

– Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong sản xuất, thương mại các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

– Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.

3. Đối tượng, nguyên tắc thực hiện chương trình OCOP

3.1. Đối tượng thực hiện

Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương bao gồm 06 nhóm ngành hàng sau:

(1) Ngành Thực phẩm, gồm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm thô sơ, thực phẩm chế biến, gia vị, chè.

(2) Ngành Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.

(3) Ngành Thảo dược, gồm: Thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền, mỹ phẩm, trang thiết bị dụng cụ y tế, thảo dược khác.

(4) Nhóm Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.

(5) Nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí, gồm: Thủ công mỹ nghệ, trang trí, thủ công mỹ nghệ gia dụng.

(6) Nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.”

Chủ thể thực hiện: Tất cả chủ thể sản xuất sản phẩm của địa phương, ưu tiên chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, có đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và Chương trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng (hoặc thi phân hạng) sản phẩm. (Phải có báo cáo doanh thu ít nhất 2 năm liền kề)

3.2. Nguyên tắc thực hiện

Tuân thủ 03 nguyên tắc của OCOP toàn cầu

– Hành động địa phương hướng đến toàn cầu: Để gia nhập vào thị trường thế giới, các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn/yêu cầu và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của thị trường đích, như tiêu chuẩn organic, GlobalGap, Vietgap, Haccp. Để làm điều này, cần tập trung vào hình thành, tái cơ cấu và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tại cộng đồng (HTX, doanh nghiệp) hơn là các cá nhân, hộ gia đình đơn lẻ, để có pháp nhân công bố tiêu chuẩn chất lượng và tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn. Các sản phẩm được gắn sao xếp hạng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm ra bên ngoài.

– Tự lực, tự tin và sáng tạo: Kiến tạo môi trường sáng tạo cho người dân với sản phẩm phát huy giá trị nội lực của cộng đồng.Thông qua đánh giá và phân hạng sản phẩm, từ đó người dân xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục dự cuộc thi đánh giá và phân hạng tiếp theo. Việc cải tiến chất lượng và nâng cấp sản phẩm là quá trình thường xuyên và liên tục nhằm thúc đẩy tính sáng tạo và luôn đổi mới, tạo hình ảnh và uy tin cho chất lượng sản phẩm.

– Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực sẽ được phục vu cho các cấp từ quản lý đến cộng đồng nhằm nâng cao năng lực trong quản lý và triển khai thực hiện chuẩn hóa sản phẩm. Cần hình thành một ngành đào tạo mới, song song với đào tạo “trình độ cao” ở các trường đại học và cao đẳng: đào tạo các lãnh đạo, quản lý của các tổ chức kinh tế tại cộng đồng.

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới