Mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống cấy mô, chị Nguyễn Phượng Hằng (30 tuổi) thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
‘Bà mụ’ mát tay
Yêu thích nông nghiệp, chị Nguyễn Phượng Hằng (ngụ ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) theo học ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Tốt nghiệp ra trường, chị làm việc cho một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất giống cấy mô tại Đồng Nai. Thời gian này đã vun bồi cho chị Hằng nhiều kiến thức bổ ích, cọ xát thực tiễn và nhận thấy giống cấy mô rất có triển vọng.
“Muốn nông nghiệp phát triển thì khâu chọn giống hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiều lần tôi nghe nông dân than phiền vì mua lầm giống kém chất lượng khiến vụ mùa thất bát, muốn trồng giống lạ phải nhập ngoại với giá đắt đỏ. Điều đó khiến tôi trăn trở, muốn làm điều gì đó có ích giúp bà con phù hợp với sức của mình”, chị Hằng chia sẻ.
Giống cây cấy mô là các cây hoàn chỉnh từ những tế bào thực vật đã được biến đổi gen và tạo ra các loài tốt hơn, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm. Giống cây cấy mô đã qua sàng lọc và cho ra sản phẩm là những cây có tình trạng tốt.
Năm 2020, chị Hằng quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình sản xuất giống cấy mô. “Ưu điểm của giống cấy mô là cho năng suất cao, cây chắc khoẻ, phát triển đồng đều, sức kháng bệnh tốt. Tôi muốn cung cấp cây giống chất lượng, thuần hóa một số giống mới để góp phần đa dạng nguồn giống, giúp bà con nâng cao năng suất nông nghiệp”, chị Hằng chia sẻ.
Sau gần 2 năm hiện thực hóa ý tưởng, chị Hằng được một số đồng nghiệp đặt cho biệt danh “bà mụ” vì đỡ đầu rất mát tay cho nhiều giống cấy mô, như: chuối, dứa, keo lai, lan, cúc… Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. “Phòng riêng tôi sửa lại làm nơi thực nghiệm. Hầu hết các bước không thể làm thủ công nên tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị công nghệ như hệ thống làm lạnh, nồi hấp, tủ cấy. May mắn, lúc đó tôi được người thân, bạn bè hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ”, chị Hằng chia sẻ.
Thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ
Theo chị Hằng, quy trình nhân giống cấy mô trải qua nhiều bước gồm: chọn giống bố mẹ, khử trùng mẫu, tạo chồi giống, tạo rễ cho cây con, thuần hóa cây trong môi trường thường. Để cây con khỏe mạnh, chị chịu khó đi nhiều nơi khảo sát, tuyển chọn cây bố mẹ đạt tiêu chuẩn. Mỗi khâu đều có những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, môi trường cấy với các thông số chuẩn về hàm lượng, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, tiệt trùng…
“Khởi nghiệp với giống cấy mô có lẽ chỉ phù hợp với những ai thực sự có đam mê, kiên nhẫn, bởi hễ sai 1 ly là đi 1 dặm. Có loại cây tôi nghiên cứu suốt 6 tháng mới thành công, có loại hơn 1 năm, thậm chí ròng rã 2 năm. Cũng có loại như mai kiểng, sâm ngọc linh, tôi mất nhiều công sức nghiên cứu nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả như mong đợi”, chị Hằng cho biết.
Sản phẩm bén duyên hơn hết là giống chuối cấy mô và chị Hằng đã phát huy thành cây chủ lực này tại cơ sở của mình. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng chị Hằng vẫn xuất bán được hơn 90.000 cây giống cho thị trường các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Gia Lai, Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang… thu nhập gần 200 triệu đồng.
“Căn phòng cấy mô chỉ khoảng 25 m2, mỗi tháng sản xuất từ 10.000 – 30.000 cây giống cấy mô. Riêng chuối cấy mô khoảng 1 tháng, đạt chiều cao 40 cm trở lên là có thể xuất bán với giá từ 8.000 – 20.000 đồng/cây”, chị Hằng cho biết thêm.
Ý tưởng sản xuất và kinh doanh giống cấy mô của chị Hằng đã đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021. Hiện chị mở rộng vườn ươm lên hơn 100 m2 với gần 10 loại giống cấy mô thành công. Đồng thời, chị đang tiến hành nghiên cứu và lai tạo thêm nhiều giống cây trồng mới như hoa kiểng, khoai môn, khóm…
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hằng còn tạo việc làm ổn định cho 5 bạn trẻ địa phương với mức lương 4 triệu đồng/tháng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người có đam mê sản xuất giống cấy mô.
DUY TÂN – THANH DUY – BÁO THANH NIÊN