6.6 C
New York
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Buy now

spot_img

Một ngày với “vua” phát minh, sáng chế

Tiến trình chuyển đổi số nước ta trên các lĩnh vực đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là khi có thêm áp lực từ dịch bệnh covid-19. Lĩnh vực nông nghiệp có phần trầm lắng hơn do các công nghệ số trong lĩnh vực này hình thành có chút khó khăn hơn và do hiệu quả không cao vì sự ứng dụng sẽ chậm chạp hơn, tất cả do đặc tính của ngành.

Trong nuôi tôm, các năm qua có những ứng dụng được quảng bá khá rầm rộ như quy trình nuôi thâm canh trong nhà kín với suất đầu tư khá cao; như quy trình nuôi nhiều giai đoạn nhằm tăng khả năng kiểm soát, giảm thiểu rủi ro… Có nhiều trang trại đã thành công. Hạn chế là thành công không liên tục, có nghĩa là các công nghệ số ứng dụng còn khiếm khuyết, chưa lường hết diễn biến trong thực tế nên chưa thành mô hình, công nghệ hoàn chỉnh. Trong bối cảnh khá lúng túng này, một nhân tố mới bất ngờ xuất hiện. TS. Nguyễn Thanh Mỹ, một doanh nhân thành đạt với dòng sản phẩm vật tư ngành in cung ứng cho hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới; sản xuất trong Khu công nghiệp công nghệ cao Trà Vinh; nay anh tình cờ có cơ duyên với lĩnh vực nuôi tôm từ đầu năm 2020.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ 

Tuy mới “nhập môn” chỉ hai năm, nhưng với cái nhìn đầy kinh nghiệm của một vua sáng kiến, phát minh, anh sớm nhìn thấy những điểm chưa hợp lý của các quy trình nuôi tôm đang có để có hướng suy nghĩ, tìm tòi, đầu tư tạo ra những thiết bị mới ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 để kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích lĩnh vực nuôi tôm. Anh cho rằng mình không tạo ra công nghệ mới mà muốn tạo ra một mô thức mới, bảo đảm cho sự phát triển nuôi tôm bền vững hơn.  Mô thức nuôi tôm ra sao, bạn đọc có thể tìm thấy trên google; ở đây tôi chỉ nêu ra cái nhìn của tôi về những điểm mới mẽ, mang tính chất tiên phong, đột phá của anh trong quy trình nuôi tôm phổ biến đang có.

Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hay tuyên bố là chúng ta tiến lên làm kinh tế nông nghiệp chớ không còn đơn thuần sản xuất nông nghiệp; TS.Mỹ cho rằng nuôi tôm ngoài chuyện có tôm sạch, năng suất cao còn phải biết cách bán tôm có giá tốt hơn. Trong nuôi tôm coi trọng nuôi nước. Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu môi trường tôm thụ hưởng, cho nên ngoài xử lý có nước sạch, TS.Mỹ quan tâm làm sao nước nuôi có oxy hòa tan cao nhất. Từ đó, anh đã có công trình thiết bị tạo oxy tinh chất cung ứng cho ao tôm. Nếu bình thường cung oxy cho ao tôm bằng dàn quạt hay dẫn ống oxy đáy ao thì oxy hòa tan chỉ đến điểm bão hòa mà thôi (cao nhất 7.6 mg/l ở ĐBSCL). Có những thời điểm nhu cầu oxy trong ao cao hơn sẽ thất thế. Thiết bị cung ứng oxy sẽ hòa tan oxy phân tử trong ao có thể gấp 2,5 lần mức oxy hòa tan bão hòa. Quá trình cung oxy cho ao sẽ đồng thời tạo ra áp lực hình thành dòng chảy tròn trong ao, không tạo bọt khí và rất thuận lợi để gom thải vào rúng ao. Chỉ một yếu tố này chẳng những giúp sinh vật trong ao sống trong môi trường thoải mái nhất, còn giúp giải phóng một số khí độc đáy ao, còn kết tủa một phần chất rắn lơ lửng khiến nước sạch hơn, tôm khỏe hơn.

Đồng bộ cho mô thức nuôi, anh còn các cải tiến, phát minh có tính thiết thực rất cao. Anh nghiên cứu tập tính con tôm qua camera gắn dưới ao, và cho lắp đèn có màu sắc phù hợp để thu hút con tôm thèm ăn. Đèn mở từ 1 giờ sáng, như vậy kéo dài thời gian con tôm ăn – tiêu hóa – tăng trưởng, rút ngắn chu trình nuôi, sẽ tăng vòng quay ao. Anh nghiên cứu che một phần mặt ao bằng vật dụng có màu sắc phù hợp tâm sinh lý con tôm. Màng che này có tác dụng kích thích ăn, ngăn ánh sáng thúc đẩy quá trình tăng tảo, ổn định nhiệt độ nước trong ao, ngăn nước mưa và đồng thời giảm thiểu thất thoát oxy trong ao do bốc hơi nhanh. Anh ứng dụng các đầu dò để đo các chỉ số trong ao. Đầu dò nào đắt tiền quá, anh thay bằng các dung môi phân tích, tuy có chút tốn công nhưng giảm thiểu chi phí. Anh tạo ra các phần mềm để giản tiện hơn trong kiểm soát tiến trình nuôi; như nối kết thông tin trạm quan trắc gần nhất để biết diễn biến nước cấp sắp tới; kết nối đầu dò tại ao để nắm diễn tiến tình hình các chỉ số trên điện thoại thông minh nhằm rút kinh nghiệm cũng như ứng xử kịp thời nếu có tình huống không như ý xảy ra; như có thể kiểm tra tiến trình tăng trưởng tôm nhanh chóng bằng phần mềm và dùng máy điện thoại quét mã, chớ không phải cân, đếm thủ công như đang diễn ra. Thiết bị cho tôm ăn cũng đang được nghiên cứu cải tiến, mới nhất là cho ăn liên tục và phù hợp ao có dòng chảy liên tục.

TS. Mỹ say sưa nói về hoài bão của mình. Đất có hạn, để tăng của cải, ngoài chuyện tăng vòng quay sử dụng còn yếu tố tăng hiệu suất sử dụng. Anh nói các quy trình nuôi phổ biến hiện nay coi trọng “nuôi nước” là đúng, nhưng phải dành diện tích cho nuôi nước quá lớn sẽ lãng phí đất. Nếu làm theo những gì trong mô thức của anh, nước thải sẽ giảm dơ, có thể qua khu “rừng” đước nhỏ trong khu vực xử lý nước thải sẽ có thể tái sử dụng, để từng bước tăng hệ số mặt nước nuôi trên diện tích nuôi là 5/5 mà hiện nay là 2/8. Thành quả thực nghiệm của anh chưa đúc kết, nhưng ngay vụ đầu tiên cũng hé lộ ánh sáng khả quan. Ở đầu tháng 3 này, khi vụ nuôi chính đang được triển khai, tại trại thực nghiệm của mình, TS. Mỹ giới thiệu trước mắt tôi là ao đang nuôi tôm mùa nghịch rộng chưa tới 850m2, cột nước 1,3m, thả nuôi 360.000 tôm giống, nuôi 98 ngày và đang đạt trọng lượng 30 con/kg. Nếu kết quả ao này phổ biến sẽ tạo ra một đột phá, làm thay đổi các suy nghĩ cũ về mật độ thả nuôi, về sinh khối tối ưu, năng suất nuôi, về mùa vụ… Anh cũng tâm tình suy nghĩ về nuôi tôm đạo đức, có nghĩa là con tôm nuôi ngoài yếu tố sạch, còn sạch môi trường và nhất là con tôm được nuôi trong hoàn cảnh bảo đảm Năm quyền tự do cơ bản của động vật, bao gồm không bị đói khát; không bị khó chịu; không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; không bị hạn chế các tập tính tự nhiên và không bị sợ hãi và khổ sở. Đạt được yếu tố này con tôm sẽ được tiêu thụ với giá cả tốt hơn hẳn. Như vậy, mô thức nuôi của anh đúng nghĩa đen là làm kinh tế tôm!

Một ngày với “vua” phát minh sáng chế

Vì sao tôi “phong” anh là “vua”. Thời điểm này TS. Mỹ có gần 400 bằng sáng, chế phát minh, đăng ký bản quyền chủ yếu ở Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc… Cách đây gần 20 năm, anh đã cho thuê 2 bằng phát minh, gom được gần 270 triệu đô la Mỹ trong vòng 20 năm và từ Canada về Trà Vinh xây dựng cơ sở sản xuất rộng 20 hecta, hết sức thành công và khá tiếng tăm hiện nay. Với tuổi U70 đáng lẽ cần nghỉ ngơi, nhưng anh hết sức tích cực tham gia hình thành tiến trình chuyển đổi số nuôi tôm, lĩnh vực đầy khó khăn, ít người chú trọng vì hiệu quả ứng dụng hạn chế. Hoài bão của anh rõ ràng là sự đam mê góp sức cho đời. Tôi trân trọng tình cảm này ngoài chuyện chung còn có dính dáng với công việc tôi theo đuổi! Tôi trả lễ anh ngay bằng bài viết này với suy nghĩ các đồng nghiệp nuôi tôm đang có ý tưởng tìm cách đi tắt, đón đầu ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nuôi tôm nên có liên lạc, chung tay với anh Mỹ, sớm góp phần nâng tầm tôm Việt lên ngưỡng cao nhất thế giới.

Hồ Quốc Lực – vasep.com.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới