6.6 C
New York
Thứ bảy, 9 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng với quy định của thị trường Nhật Bản

ĐTO – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức hội thảo phổ biến các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với thị trường Nhật Bản, đặc biệt là quy định về cấp mã số vùng trồng vào thị trường này cho nông dân, hợp tác xã, hội quán.

Đoàn công tác Cục Bảo vệ thực vật đến khảo sát vùng trồng xoài xã Tịnh Thới – nơi đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục BVTV thông tin, xoài tươi của Việt Nam đã xuất đi được 22 vùng, lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lượng xoài tươi xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh với 600 ngàn tấn/năm, tăng khoảng 70 ngàn tấn so với năm 2020. Riêng thị trường Nhật Bản, xuất được hơn 600 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Về cấp mã số vùng trồng (MSVT), đến nay, cả nước đã cấp được 845 MSVT với trên 42.000ha, chiếm khoảng 31% tổng diện tích trồng xoài trên cả nước. Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã cấp được 642 MSVT với diện tích trên 21.000ha, chiếm khoảng 43% tổng diện tích trồng xoài toàn vùng (Đồng Tháp hiện có 14 MSVT xoài xuất sang Nhật Bản với diện tích 528,5ha).

Nhật Bản hiện là thị trường tiềm năng của trái xoài Việt Nam. Theo đó, qua 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại, hiện nay, xoài Việt Nam đã được xuất sang Nhật Bản cũng như được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay các yêu cầu nhập khẩu đối với thị trường này đã có sự thay đổi. Cụ thể, Nhật Bản yêu cầu xoài Việt Nam phải đảm bảo các quy định về canh tác; quy trình sơ chế đóng gói, đặc biệt lần đầu tiên thị trường này yêu cầu trái xoài Việt Nam phải đảm bảo về MSVT. Chính vì vậy, người dân, doanh nghiệp, địa phương cần nhìn nhận rõ vấn đề này để có cách tổ chức sản xuất, quản lý, giám sát phù hợp.

Về các yêu cầu đối với cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, nông dân, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Thu Hương cho rằng, cơ quan chuyên ngành tại địa phương phải thực hiện nghiêm túc công tác giám sát đối với các vùng trồng được cấp mã số; tổ chức giám sát dư lượng thuốc BVTV trên xoài tươi xuất khẩu; có cơ chế phối hợp thực hiện rõ ràng, cụ thể giữa cơ quan cấp huyện và Chi cục Trồng trọt – BVTV, đảm bảo việc cấp và duy trì MSVT được thực hiện xuyên suốt. Đồng thời tổ chức tập huấn, trao đổi thông tin thường xuyên về quy định, các thay đổi đối với MSVT cũng như các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm khác đối với xoài xuất khẩu.

Riêng đối với các vùng trồng, người dân, doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn đảm bảo duy trì tình trạng đáp ứng quy định của các nước; sử dụng đúng MSVT được cấp, không lấy xoài ở các vùng trồng chưa được cấp MSVT để xuất khẩu; đảm bảo chỉ xuất khẩu xoài Cát Chu sang thị trường Nhật Bản, đảm bảo chất lượng xoài xuất khẩu theo đúng quy định của nước nhập khẩu; thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về tình trạng gian dối, mạo nhận trong quá trình xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản nói riêng và các thị trường xuất khẩu khác nói chung.

Tại hội thảo, bên cạnh việc tiếp thu, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc sản xuất đáp ứng các quy định của thị trường Nhật Bản, nhiều nông dân, doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp để mở rộng diện tích MSVT như: cần có một mô hình điểm, trong đó có sự tham gia, liên kết “4 nhà”, khi đầu ra thuận lợi, nông dân sẽ mạnh dạn tham gia, mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu mở rộng mã vùng trồng; có những quy định quản lý mã vùng trồng hợp lý, tránh việc vi phạm sử dụng mã vùng trồng như thời gian qua…

Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chứng minh xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, nông sản không chỉ là quy định chung của các thị trường xuất khẩu mà hiện nay, ngay cả thị trường trong nước, một số chợ đầu mối cũng đang đòi hỏi sản phẩm phải chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Chính vì nhu cầu thị trường, người tiêu dùng đang hướng đến chất lượng sản phẩm nên đòi hỏi người sản xuất phải tự thay đổi tư duy, tập quán sản xuất phù hợp theo nhu cầu thị trường, trước tiên là sản xuất sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.

MN – BÁO ĐỒNG THÁP

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới