9.2 C
New York
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Thương mại điện tử, đòn bẩy cho sản phẩm nông sản, đặc sản Đồng Tháp vươn mình

Cùng với các kênh phân phối truyền thống, hiện nay thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành kênh phân phối triển vọng đối với doanh nghiệp (DN) và nông dân. Song để có thể trụ vững và tạo doanh thu tốt từ kênh TMĐT thì không phải là câu chuyện dễ dàng. Hiểu được những khó khăn trên, thời gian qua, ngành công thương tỉnh nhà đã dành nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp DN, người nông dân khai thác tốt hơn ở kênh phân phối này.

Nhiều sản phẩm chế biến và nông sản của Đồng Tháp có mặt trên sản thương mại điện tử Voso.vn

Từ đầu năm nay, ngành công thương tỉnh Đồng Tháp đã triển khai những giải pháp để hỗ trợ DN và người nông dân. Đó là những hoạt động như phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức lớp tập huấn tư vấn tiêu chí xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com; triển khai hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng giải pháp công nghệ số (QR code) để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ phần mềm Livestream bán hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng số tiếp cận sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh thuận lợi hơn, ngành công thương tỉnh cũng phối hợp với các sàn TMĐT, các đơn vị liên quan hỗ trợ DN tỉnh nhà đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso, Postmart… Thông qua các hoạt động hỗ trợ trên, từng bước giúp cho các DN tỉnh nhà làm quen với hình thức kinh doanh mới, giảm áp lực đối với các kênh tiêu thụ truyền thống.

Hai năm trở lại đây, nhiều DN của tỉnh Đồng Tháp bắt đầu quan tâm và đẩy mạnh khai thác kênh TMĐT. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã tác động đến thị trường tiêu thụ truyền thống của các DN thì kênh TMĐT tử rất được quan tâm, trở thành kênh bán hàng chủ chốt giúp DN vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19.

Một trong những DN sớm đưa sản phẩm tiếp cận các sàn TMĐT là Công ty xuất nhập khẩu Hương Sen Việt (TP Cao Lãnh). Bà Nguyễn Thị Lài – Giám đốc công ty chia sẻ: “Trong 2 năm qua, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, trong khi các kênh phân phối truyền thống bị sụt giảm doanh số thì kênh TMĐT không ngừng tăng trưởng mạnh, phần nào giúp cho DN vượt qua khó khăn. Mặc dù hiện nay, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động TMĐT cũng bị ảnh hưởng, song chúng tôi tin rằng, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới người tiêu dùng quen với việc mua sắm online. Đây cũng là cơ hội cho các DN đã tạo được uy tín nhất định trên các sàn TMĐT”.

Không chỉ riêng sản phẩm chế biến được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Tháp cũng được người tiêu dùng cả nước biết đến qua các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch của sàn Voso, Postmart. Theo Sở Công Thương, để góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, sàn TMĐT Voso của Tập đoàn Viettel và Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã kết nối đưa sản phẩm nông sản, trái cây của Đồng Tháp lên sàn TMĐT Voso và Postmart. Qua thời gian triển khai, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng nông sản tiêu thụ trên 2 sàn TMĐT là 1.230 tấn, trong đó nhiều nhất là sản phẩm nhãn, khoai lang và xoài…

Có thể nhận thấy kênh TMĐT thật sự là một thị trường tiềm năng còn nhiều dư địa để DN và nông dân Đồng Tháp khai thác và phát triển. Chia sẻ về một số mặt tồn tại của DN khi tiếp cận kênh TMĐT, bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho rằng, để chuyển đổi từ phương thức kinh doanh trực tiếp sang kênh TMĐT và khai thác có hiệu quả đòi hỏi DN, người nông dân phải có sự quyết tâm, kiên trì theo đuổi. Hầu hết các DN sản xuất kinh doanh thiếu cán bộ chuyên về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT là việc DN, người dân có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, DN cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng cáo trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của DN cùng với cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng,… Để việc kinh doanh qua kênh TMĐT hiệu quả và phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất mà DN và người dân cần quan tâm là chuẩn bị nhân sự có trình độ về kinh doanh online; đảm bảo chất lượng hàng hóa, chú trọng cách thức đóng gói, bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển…

Mỹ Lý – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới