Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ phương pháp trồng thủy canh chỉ dành cho các loại rau có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bằng một góc nhìn khác biệt, anh Võ Thanh Beo (SN 1987) ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đã đầu tư khu vườn công nghệ cao gần 1,5 tỷ đồng chỉ để trồng loại rau má quen thuộc miệt vườn. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm rau má tươi, anh còn phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến sâu từ cây rau má. Bước đầu với những cách làm mới, anh Beo đã đem lại nhiều giá trị mới cho cây rau má.
Dưới cái nắng oi ả của buổi trưa tháng 6, chúng tôi đến thăm vườn rau má thủy canh của anh Võ Thanh Beo ngụ ấp 4, xã Mỹ Long. Vườn rau má xanh mát dài hun hút làm cho chúng tôi quên mất cái nóng đang hầm hập trên đầu. Khác với tưởng tượng của chúng tôi, rau má ở đây không trồng lan dưới đất, mà từng bụi rau má được trồng thẳng tắp trên những chiếc giàn xếp tầng rất ngay ngắn trong môi trường nhà kính. Theo chủ vườn, so với cách trồng rau truyền thống trên mặt đất thì trồng rau má thủy canh trên các giàn xếp tầng sẽ giúp chủ vườn tiết kiệm được rất nhiều diện tích canh tác. Theo tính toán của chủ vườn, với diện tích 700m2 như hiện nay nếu chuyển sang trồng lan trên đất có thể phải tốn một diện tích đất tương đương từ 5.000 – 6.000m2 đất.
Bên cạnh môi trường trồng khác lạ, rau má ở nông trại này còn được canh tác theo một phương thức rất đặc biệt. Ngoài công đoạn trồng và thu hoạch được thực hiện bằng tay, phần lớn các công đoạn chăm sóc, quản lý dịch hại đều được thực hiện tự động thông qua ứng dụng trồng trọt được chủ vườn cài đặt trên thiết bị di động thông minh.Theo đánh giá của anh Võ Thanh Beo, mô hình trồng rau má thủy canh có nhiều ưu điểm so với trồng rau má truyền thống trên đất trước đây. Bên cạnh việc nâng chất cho sản phẩm thì việc kiểm soát dịch bệnh dịch hại trên cây rau má cũng rất thuận lợi. Nhờ trồng trong điều kiện nhà kính, nguồn dinh dưỡng được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng rau má đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện với tổng diện tích khoảng 700m2, trung bình mỗi tháng, anh Võ Thanh Beo có thể thu hoạch được trên 1,2 tấn rau má tươi, doanh thu mỗi tháng từ vườn rau má trên 35 triệu đồng. Hiện sản phẩm rau má thủy canh của anh Beo phân phối tại nhiều cửa hàng bán rau sạch, tiệm cà phê và hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Anh Võ Thanh Beo tâm sự: “Sau thời gian đi làm xa xứ, tôi muốn quay trở về quê hương phát triển kinh tế để có thể góp phần xây dựng phát triển kinh tế địa phương. Nhiều lần tìm hiểu, tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cây rau má, đặc biệt là sản phẩm rau má sạch hiện nay của thị trường đang rất lớn. Trong khi đó, hiện nay nguồn rau má sạch cho người tiêu dùng trên thị trường là không nhiều. Từ thực tế đó, tôi bắt đầu tìm hiểu một số mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao để tối ưu hóa chuỗi sản xuất rau má của mình. Sau hơn nửa năm mày mò, nghiên cứu, cuối tháng 3 vừa qua, sản phẩm rau má thủy canh của tôi chính thức ra mắt thị trường”.
Không dừng lại ở việc phát triển sản phẩm rau má tươi, hiện anh Võ Thanh Beo phát triển thêm hai dòng sản phẩm chế biến từ cây rau má là bột rau má và bột dây rau má uống liền vì nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm như bột rau má uống liền. Hiện tại bên cạnh việc phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống, anh Beo còn đang phát triển thêm một số kênh tiêu thụ mới như bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo…
Anh Võ Thành Beo chia sẻ: “Tôi đang tiến hành một số hồ sơ thủ tục để xin cấp chứng nhận rau má đạt chuẩn VietGAP. Trong năm nay, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các bước cuối cùng về đăng ký chứng nhận nhãn hiệu, thiết kế bao bì hoàn chỉnh để sản phẩm có thể đến được với các phân khúc thị trường chuyên nghiệp hơn. Sau khi hoàn tất các công đoạn cuối, tôi sẽ tiếp cận một số kênh tiêu thụ chuyên nghiệp như các sàn thương mại điện tử, siêu thị và định hướng lâu dài là sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu…”.
Mỹ Lý