8.3 C
New York
Thứ Năm, 28 Tháng Ba 2024

Buy now

spot_img

Khởi nghiệp Đồng Tháp tìm hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh trong đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh tế. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, doanh thu bị sụt giảm sâu. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều đơn vị khởi nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh để có thể tạo nguồn thu, duy trì hoạt động của bộ máy…

Các chuyên gia đến từ Đài Loan chia sẻ với các bạn khởi nghiệp, doanh nghiệp tại Đồng Tháp về thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Khánh Duy

Mọi thứ như ngừng lại

Sen Quê là cơ sở làm trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy, củ sen sấy…, công suất khoảng 200 – 300 sản phẩm/ngày (bình quân 50 – 100kg), Sen Quê sử dụng nguyên liệu sen mua trực tiếp từ các ao sen ở huyện Tam Nông, Hồng Ngự… Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, anh Phan Hồng Quang – chủ cơ sở này cho biết anh đang rất vất vả để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Mọi thứ dường như phải ngừng lại hết, nhân công tạm dừng vì đơn hàng không có dù cơ sở rất muốn xây dựng vùng nguyên liệu, làm theo chuẩn, liên kết nông dân nhưng chưa dám làm gì”- anh Quang nói.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong tháng 4/2021, toàn vùng ĐBSCL có 1.020 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 13.400 tỷ đồng. Số DN quay lại hoạt động là 239 DN, trong khi con số DN dừng kinh doanh, tạm dừng hoạt động, đã giải thể là hơn 680 DN.

Theo thông lệ, bắt đầu từ tháng này là thời điểm các DN nhận đơn hàng, chuẩn bị lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, nhiều DN ở ĐBSCL như “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Anh Nguyễn Trọng Thế – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sơ ri Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng đang chờ đợi tín hiệu từ phía chính quyền chứ chưa dám làm gì khi dịch bệnh chưa được kiểm soát. “Dịch bệnh, khách hàng không tiếp nhận mình. Đơn hàng thì không dám đặt vì đặc điểm của sản phẩm mứt, thực phẩm là không bảo quản được lâu. Mình đành chờ đợi thôi chứ không biết làm sao” – anh Thế nói và cho biết đó là tình hình chung nên một đơn vị sản xuất nhỏ, không có công nghệ và hiểu biết nhiều về số hóa như anh đành phải chấp nhận.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Thời gian gần đây, chuyển đổi số là vấn đề được nhiều DN quan tâm. Đây là sự tích hợp kỹ thuật số, tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, giúp gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là đối với các DN có thông tin khách hàng và biết cách kết nối với họ thông qua mạng internet để bán hàng. Mô hình kinh doanh này cũng sẽ là xu hướng được nhiều DN sử dụng để đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh bình thường mới.

Chị Nguyễn Thu Thủy – cơ sở sản xuất Xuân Thủy, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) chịu khó tham gia các khóa học về bán hàng trực tuyến của Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức nên dịch bệnh này, các đơn hàng chẳng những không bị giảm mà còn tăng khoảng 20%. Trong 4 dòng sản phẩm của cơ sở (trà chùm ngây, bột chùm ngây, hạt chùm ngây và rượu củ chùm ngây) thì trà túi lọc và bột chùm ngây được người tiêu dùng đặt hàng nhiều nhất từ đầu năm tới nay. Chị Thủy cho biết, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, cộng thêm kết nối làm mã QR code do Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp hướng dẫn, chị thấy tự tin về độ uy tín nên mạnh dạn chào hàng từ điểm bán hàng đặc sản, điểm du lịch cho tới các cửa hàng tiện lợi ở TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu… Tuy nhiên, do khá mới mẻ nên việc làm này cũng còn nhiều hạn chế, phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới, tiêu tốn nhiều nguồn lực. Vì vậy, với người khởi nghiệp như chị nếu muốn chuyển đổi số thành công thì đòi hỏi phải tính toán sao cho phù hợp với năng lực thực tế của đơn vị.

Tại Cần Thơ, anh Đinh Công Minh Thông – Giám đốc Công ty Đinh Gia Foods, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ hạt như đậu phông, đậu nành, mắc ca… cho hay, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một “làn sóng” mới và buộc đơn vị phải chuyển đổi mô hình. Từ một đơn vị khởi nghiệp chỉ tập trung lo việc sản xuất, Đinh Gia foods lên kế hoạch thiết kế lại bao bì, mẫu mã, làm thêm sản phẩm mới thông qua việc kết nối với một số bạn khởi nghiệp khác ở Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long. “Ngay cả việc thiết kế, học bán hàng kết hợp giữa online và offline mình cũng phải học” – anh Thông nói, mọi thứ phải sắp xếp lại một cách chỉn chu. Bây giờ, guồng máy đã chạy được 1-2 tháng, bắt đầu ổn dần. Công ty có người phụ trách marketing, đồng thời có các trang mạng xã hội đều được tận dụng triệt để (fanpage, Lazada, Tiki, Shopee, Zalo) để tạo thêm nguồn thu cho đơn vị.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, các startup buộc phải có kế hoạch, khéo léo thích ứng. Bởi nếu chỉ ngồi đợi khủng hoảng qua đi thì cơ hội cũng mất và nguồn lực cũng cạn. Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động đưa ra nhiều dịch vụ và sản phẩm mới, thích ứng với thị trường trong thời điểm dịch bệnh leo thang và trong tương lai.

Nguyệt Đỗ – Báo Đồng Tháp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới