17.8 C
New York
Thứ Hai, 9 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Mô hình “1 phải 5 giảm” đạt hiệu quả cao

Năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn xây dựng mô hình hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm tại Hợp tác xã (HTX) Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) với quy mô 280ha. Hộ nông dân tham gia mô hình với tinh thần tự nguyện, cam kết thực hiện theo đúng quy định và áp dụng tốt quy trình kỹ thuật; có đủ các nguồn nhân lực như đất sản xuất, công lao động và vốn đối ứng.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giảm thất thoát sau thu hoạch

Mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng để sản xuất lúa giống; cấy bằng máy, lượng lúa giống sử dụng 60kg/ha; áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD) bằng cách lắp đặt hệ thống cảm biến (sensor) để thông báo cho HTX lịch tưới nước cho cây lúa; bón phân cân đối N, P, K và kết hợp bón vùi 100% DAP và 50% Kali trước khi làm đất lần cuối. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên toàn mô hình: ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh với tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy và đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS; sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) khi phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát và thực hiện cuộn rơm bằng máy nhằm góp phần tăng thu nhập từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm), hạn chế đốt đồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa.

Kinh phí thực hiện mô hình từ ngân sách nhà nước bố trí dự toán năm 2021, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón và thuốc BVTV theo định mức hỗ trợ vật tư cho mô hình.

Kết quả, năng suất lúa đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so với ngoài mô hình, chủ yếu do áp dụng phương pháp cấy, bón phân cân đối nên cây lúa ít đổ ngã, tỷ lệ hạt lép thấp. Giá thành sản xuất 4.188 đồng/kg, thấp hơn 353 đồng/kg so với đối chứng (4.541 đồng/kg). Tổng chi 26,6 triệu đồng/ha, cao hơn 2,5 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng (24,1 triệu đồng/ha), chủ yếu do cấy bằng máy và sản xuất giống nên chi phí tăng hơn. Giá bao tiêu 7.300-7.400 đồng/kg (cao hơn 700-1.000 đồng/kg) do sản phẩm làm giống. Mô hình cho lợi nhuận 17,2 triệu đồng/ha, cao hơn 8,4 triệu đồng/ha so với đối chứng (8,8 triệu đồng/ha).

Mô hình tạo điều kiện cho nông dân tham gia nắm được quy trình “1 phải 5 giảm”, được nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng và ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: cấy lúa bằng máy, bón phân cân đối, phun thuốc theo 4 đúng, bảo tồn nguồn thiên địch,… nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tiếp tục thực hiện mô hình theo tiêu chuẩn SRP với diện tích 150ha tại huyện Tháp Mười và nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” tại huyện Tam Nông.

Theo Trí Nguyễn – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới