Bạn có một ý tưởng kinh doanh tiềm năng, một tâm huyết và quyết tâm thực thi ý tưởng đó. Bên cạnh rất nhiều công việc cần tìm hiểu và chuẩn bị, bạn hiểu rằng bạn cần một kế hoạch kinh doanh để việc triển khai dự án kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và hạn chế tối đa những sai lầm có thể gặp phải.
Bởi vì trong kinh doanh, mỗi một sai lầm luôn phải trả giá bằng tiền, thậm chí là rất nhiều tiền.
Bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm thực chiến cùng các thương hiệu Việt xây dựng và triển khai các dự án startup lớn nhỏ, Sao Kim xin chia sẻ cách lập kế hoạch kinh doanh, lên kế hoạch triển khai dự án kinh doanh tốt hơn.
Nếu bạn là một công ty khởi nghiệp và muốn kêu gọi đầu tư thì bài viết này cũng giúp bạn biết cách viết dự án kinh doanh ấn tượng, khả thi trong mắt nhà đầu tư.
Mẫu bản kế hoạch kinh doanh cho khởi nghiệp sẽ có nội dung như sau.
1. Tóm tắt dự án kinh doanh
Bạn nên dành 1 hoặc 2 trang giấy cho phần tóm tắt dự án kinh doanh. Nội dung phần này nên đưa ra một cách ngắn gọn những thông tin sau:
- Ý tưởng khởi nguồn dự án kinh doanh
- Mô tả sản phẩm/dịch vụ của bạn (Trả lời cho câu hỏi bạn đang giải quyết vấn đề gì cho khách hàng)
- Mục tiêu cho dự án. (Vị thế của doanh nghiệp sẽ như thế nào trong vòng 1 năm, 3 năm, 5 năm)
- Đề xuất thị trường mục tiêu (Ai là khách hàng lý tưởng của bạn?)
- Đối thủ cạnh tranh và điểm khác biệt của dự án (Ai là đối thủ trực tiếp trong ngành và định vị bán hàng độc đáo nào sẽ giúp dự án của bạn thành công)
- Dự đoán tài chính (Số vốn bạn cần để triển khai dự án, bạn sẽ sử dụng nó như thế nào và số vốn đó sẽ sinh lợi như thế nào)
Lưu ý, trong phần này bạn sẽ cung cấp các thông tin trên thật ngắn gọn nhằm mục đích giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về startup. Mọi thông tin chi tiết sẽ được đưa ra ở các phần sau.
Phần này tuy ngắn gọn nhưng bạn phải khiến người đọc hiểu được tổng quan về dự án và nếu bạn trình bày để kêu gọi đầu tư thì phải khiến người đọc cảm thấy tò mò, hào hứng vì tiềm năng của startup.
Sao Kim khuyên bạn nên đưa ra các nội dung, chỉ số chính khi bắt đầu viết kế hoạch kinh doanh.
Sau đó bám sát mục tiêu và chỉ số để triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu, chỉ số này.
Cuối cùng, sau khi kế hoạch đã có, bạn cần phải viết lại viết nội dung phần này để tóm tắt dự án của bạn dễ hiểu dễ nắm bắt hơn.
Lưu ý: Bạn có thể điều chỉnh hoạt động nhưng hạn chế thay đổi mục tiêu.
2. Giới thiệu công ty
Trong bản kế hoạch kinh doanh của bạn phần này cần đưa ra:
- Tuyên bố sứ mệnh
- Nêu ra triết lý kinh doanh và tầm nhìn
- Đưa ra mục tiêu chung của startup.
Đó là những mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn của công ty cũng như những tiêu chuẩn (KPI) để đo lường quá trình thực hiên.
Xác định thị trường mục tiêu (nói ngắn gọn khách hàng mục tiêu là ai)
Mô tả ngành bạn đang tham gia và điều gì làm cho doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh
Vấn đề pháp lý. Bao gồm mô hình kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, chủ sở hữu, cổ đông ….
Bạn có thể tham khảo thêm về Business Model Canvas để xây dựng mô hình kinh doanh tốt hơn.
3. Sản phẩm / Dịch vụ
Trong phần tiếp theo này, bạn sẽ đi sâu giải thích rõ những thông tin cơ bản về sản phẩm / dịch vụ mà bạn đã đưa ra ở phần 1 và 2.
Bạn cần mở rộng những nội dung sau đây:
- Thông tin sản phẩm/dịch vụ mà bạn bán: Chúng được sản xuất hoặc cung ứng như thế nào, thông tin, cách thức hợp tác với nhà cung ứng, nhà sản xuất, và đối tác trong quá trình phân phối sản phầm/dịch vụ đến tay khách hàng.
- Vấn đề mà sản phẩm/dịch vụ giải quyết: Chúng giải quyết vấn đề gì cho khách hàng và giải quyết như thế nào. Đặc trưng, lợi ích và điểm độc đáo của sản phẩm/dịch vụ là gì. Hãy nhớ là luôn nói về sản phẩm của bạn trong mối tương quan với sản phẩm của đối thủ.
- Lơi thế cạnh tranh của startup: Lợi thế cạnh tranh có thể là bằng sáng chế, độc quyền công nghệ, độc quyền từ nhà cung ứng… Bất cứ lợi thế mà chỉ riêng bạn sở hữu trong thị trường bạn khai thác.
- Định giá: Bạn định giá sản phẩm/dịch vụ ở phân khúc cao, thấp hay trung bình. Mức giá đấy có phù hợp thị trường không? Lợi nhuận dự tính như thế nào.
4. Kế hoạch Marketing
Có thể nói rằng, Kế hoạch Marketing ảnh hưởng lớn đến sự thành bại của kế hoạch kinh doanh. Do đó, bạn cần làm kỹ phần kế hoạch marketing, bám sát các chỉ số mục tiêu chung.
Marketing không bán hàng trực tiếp. Nhưng nếu kế hoạch Marketing không dựa trên con số và dẫn dắt từng bước tạo ra doanh thu, lợi nhuận mục tiêu thì đó là kế hoạch Marketing tồi.
Vì thế, khi triển khai kế hoạch marketing bạn cần lượng hóa các chỉ số Marketing và gắn chặt với mục tiêu chi phí, doanh thu và lợi nhuận.
Ví dụ: Trên website, để có 10 người mua hàng (dự đoán tỷ lệ convert 0,1%) thì phải có 10.000 người truy cập trang bán hàng. Giả sử 10.000 người này có 7.000 đến từ các hoạt động marketing tự nhiên (không trả phí) còn 3.000 đến từ trả phí. Thêm nữa, trong 7.000 thì chỉ có 1.000 người vào trực tiếp trang bán hàng, còn lại thì 6.000 chuyển đổi từ trang khác sang (giả sử chỉ có 10% khách hàng chuyển đổi từ trang khác sang, như: Trang tin tức, hướng dẫn, so sánh, Facebook, …).
Như vậy, bạn sẽ phải có:
- 1.000 người truy cập trang bán hàng (tự nhiên)
- 3.000 người truy cập trang bán hàng (trả phí)
- 60.000 người truy cập các trang khác (có định hướng chuyển đổi về trang bán hàng)
Bây giờ là lúc triển khai các kế hoạch marketing cụ thể theo từng kênh, từng hoạt động để đạt được số lượng người truy cập này.
Lưu ý #1: Nội dung marketing của bạn càng tốt thì càng nhắm đúng đối tượng mục tiêu khi đó, tỷ lệ chuyển trang cao hơn, tỷ lệ mua hàng cao hơn. Điều này dẫn tới bạn đạt được nhiều đơn hàng hơn.
Lưu ý #2: Các chỉ số chuyển đổi trang, tỷ lệ mua hàng ban đầu chỉ là dự đoán, nó thay đổi theo số liệu thực tế của bạn, thay đổi theo từng lĩnh vực. Vì thế, trong quá trình thực hiện, bạn cần theo dõi liên tục, sử dụng chỉ số thực tế để đưa ra quyết định điều chỉnh hoạt động marketing để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Lưu ý #3: Một lần nữa, có thể thay đổi hành động, nhưng đừng thay đổi mục tiêu.
Kế hoạch Marketing cần quát các thông tin sau:
- Nghiên cứu thị trường: dung lượng thị trường, xu hướng thị trường, hành vi của khách hàng
- Phân tích SWOT (strength, weakness, opportunity, threat) của Startup
- Xác định khách hàng mục tiêu. Phân loại các nhóm khách hàng, đặc điểm từng nhóm
- Xác định Đối thủ chính. Tìm ra 3-5 đối thủ chính
- Định vị / Thị trường ngách khai thác. Bạn muốn khách hàng nhớ đến bạn với những giá trị gì, phân khúc thị trường bạn nhắm đến.
- Cách thức tiếp thị sản phẩm / dịch vụ. Các hình thức tiếp thị online và offline bạn sử dụng để tiếp cận khách hàng.
- Ngân sách cho chương trình khuyến mãi
- Chiến lược giá
- Thông tin các kênh phân phối
- Dự đoán doanh thu trong vòng 12 tháng. Bạn nên dự đoán cho cả trường hợp tốt nhất và xấu nhất có thể xảy ra.
5. Kế hoạch hoạt động
Trong phần Kế hoạch hoạt động này bạn sẽ làm rõ các nội dung sau:
- Phương thức sản xuất (nếu bạn trực tiếp tạo ra sản phẩm)
- Quy trình kiểm soát chất lượng
- Trụ sở hoạt động
- Môi trường pháp luật, đảm bảo các giấy tờ pháp lý liên quan startup
- Vấn đề nhân sự
- Kiểm kê tồn kho
- Thông tin nhà cung cấp
- Chính sách tín dụng
6. Cơ cấu tổ chức
Ở phần Cơ cấu tổ chức bạn cần có các thông tin:
- Thông tin ban lãnh đạo, founder, co-founder
- Thông tin chuyên gia cố vấn sẽ hỗ trợ bạn (nếu có)
- Sơ đồ tổ chức hoạt động
Cơ cấu tổ chức như thế nào cũng ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động chung cách giao tiếp và vận hành của toàn bộ công ty.
Do đó, đối với startup, bạn cần lựa chọn cơ cấu tổ chức của mình theo mô hình phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất.
7. Chi phí thành lập và vốn hoạt động
- Xác định chi phí khởi nghiệp.
- Bảng cân đối kế toán.
- Báo cáo tài chính cá nhân.
8. Kế hoạch tài chính
- Dự đoán lỗ lãi trong vòng 12 tháng. Đảm bảo giải thích rõ ràng có cơ sở cho những con số dự đoán bạn đưa ra.
- Dòng tiền dự tính
- Bảng cân đối kế toán dự tính
- Phân tích hòa vốn. Phân tích lợi nhuận của startup khi nào sẽ bù lại được chi phí.
- Kế hoạch sử dụng vốn. Đưa ra phân tích về việc bạn sử dụng vốn như thế nào và kết quả mang lại.
9. Phụ lục của kế hoạch kinh doanh
Cuối cùng, bản kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp của bạn cần bao gồm các tài liệu mà bạn cho rằng sẽ quan trọng với người đọc và các chứng từ tài chính thiết yếu.
Như vậy Sao Kim đã giới thiệu xong cho bạn cách lập kế hoạch kinh doanh để bạn có thể bắt đầu ngay. Kế hoạch hoàn chỉnh sẽ cần thêm rất nhiều nội dung chi tiết và tùy thuộc vào mục tiêu của bạn mà kế hoạch có thể phức tạp hay giản lược đi.
Theo saokim.com.vn