7.5 C
New York
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Khôi phục nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới

Thích ứng nhanh trước tác động của dịch Covid-19, Đồng Tháp tiếp tục đạt được kết quả đáng trân trọng trên một số lĩnh vực. Kết quả đó chính là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiêp (DN) và sự đồng thuận của Nhân dân tỉnh nhà. Phát huy những kết quả đó, năm 2022, Đồng Tháp tiếp tục với quyết tâm cao vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi, chia sẻ với hoạt động của doanh nghiệp

Thích ứng nhanh với dịch bệnh

Với quyết tâm cao, khôi phục nhanh, bứt phá trên các lĩnh vực, trong 6 tháng đầu năm 2021 tình hình kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Niềm tin của Nhân dân, DN được duy trì ở mức cao thông qua các chỉ số PAPI, PCI, cải cách hành chính…

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Trước thực tế đó, UBND tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Với quan điểm đúng đắn cùng sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của DN, sự đồng thuận của Nhân dân, Đồng Tháp cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Từ tháng 10 đến nay, tỉnh thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế – xã hội.

Theo ông Trương Hòa Châu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh nên các mục tiêu lớn, trọng tâm được đảm bảo. Các lĩnh vực kinh tế ổn định, cân đối nguồn lực tài chính; an sinh xã hội được thực hiện tốt. Hoạt động cung ứng trong chuỗi ngành hàng chủ lực được duy trì liên tục, tạo điều kiện cho công tác khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra khá mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 duy trì 2,22%, quy mô kinh tế ước đạt 90.383 tỷ đồng; năng suất lao động năm 2021 ước đạt 77,52 triệu đồng, tăng 3,5% so với năm 2020. Không để “đóng băng” thị trường, Đồng Tháp nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trong nước; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 1.100 triệu USD, tăng 6,44% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là sự đồng hành của tỉnh và cộng đồng DN khi linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, trụ đỡ của nền kinh tế, Đồng Tháp tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 45.449 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cùng kỳ, tương đương 1.340 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông – lâm – thủy sản đạt 3,14%.

Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước đạt 67.957 tỷ đồng, tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng kinh tế khu vực này đạt 2,54%. Với phương án tổ chức sản xuất hiệu quả, đến cuối 2021, có 559/601 DN sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động ổn định. Trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên các lĩnh vực, thúc đẩy tiến độ thực hiện các Biên bản thỏa thuận hợp tác với các Tập đoàn đã ký kết, có 20 dự án được chấp thuận chủ trương/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.345 tỷ đồng. Năm 2021, có 470 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.859 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động ước trên 4.300 DN.

Mặc dù đại dịch Covid-19 làm gián đoạn lớn đối với hoạt động của hệ thống giáo dục tỉnh nhà trong năm học 2021 – 2022. Tuy nhiên, thực hiện phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều phương pháp tiếp cận sáng tạo được áp dụng. Năm qua, tỉnh còn triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Theo đó, tỉnh hỗ trợ người dân, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ trên 493 tỷ đồng và 7.514 tấn gạo cho hơn 801.200 đối tượng; hỗ trợ cho 1.800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền 540 triệu đồng…

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh hoạt động sản xuất trở lại

Khôi phục kinh tế với các lĩnh vực tiềm năng

Trước dự báo về những cơ hội và thách thức, Đồng Tháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,0% gồm 22 chỉ tiêu chủ yếu và 13 nhiệm vụ. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, với những chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là rất lớn, cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của các ngành, các cấp để hoàn thành nhiệm vụ cho năm 2022 và cho những năm sau. Trong đó, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 để người dân, DN an tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế; phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại cho đầu tư phát triển, chuyển đổi số, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Trên tinh thần đó, các ngành, địa phương có sự định hướng thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Theo ông Nguyễn Văn Hon – Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, hiện nay, công suất, quy mô hoạt động của nhà máy, công ty, xí nghiệp đang hoạt động 90%. Năm 2022, TP Sa Đéc tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội”, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo dõi, hỗ trợ các DN hoạt động sản xuất phù hợp với từng bối cảnh diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, địa phương tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và cơ hội phát triển của thành phố.

Nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, vì vậy từ năm 2015-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện trên 120 mô hình với tổng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là trên 50,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, các mô hình được đầu tư triển khai manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa. Ông Nguyễn phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tỉnh cần quan tâm chính sách hậu mô hình; chính quyền cơ sở cần quan tâm phối hợp với ngành nông nghiệp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Các địa phương tạo điều kiện cho sản phẩm tiếp cận với thị trường, liên kết “bốn nhà”. Đối với thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng này sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi vịt tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng con giống. Đổi mới, tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng.

Hướng đến khai thác tiềm năng ngành “công nghiệp không khói” trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Thương – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu tỉnh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tăng cường chuyển đổi số trong du lịch. Phối hợp với VNPT Đồng Tháp vận hành, quản trị Cổng thông tin du lịch tỉnh, xây dựng 3 mô hình thực tế ảo tại 3 điểm du lịch (Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Làng hoa Sa Đéc, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê). Mặt khác, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; làm mới và nâng chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển nhiều loại hình du lịch.

Năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, đến nay huyện Hồng Ngự đón tiếp trên 15 nhà đầu tư. Đặc biệt, có Tập đoàn Novaland đến tìm hiểu các tiềm năng, lợi thế của các dự án mời gọi đầu tư trọng điểm như Dự án Nhà máy chế biến trái cây; Dự án khu đô thị thông minh; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ.. Theo ông Nguyễn Văn Khơi – Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, trong công tác thu hút đầu tư thời gian tới, địa phương tập trung thực hiện các bước thủ tục đầu tư dự án, nhất là dự án Khu đô thị thông minh và Khu du lịch làng nghề, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho đồng bộ; cụ thể hóa các chính sách về các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ: ”Năm 2011, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên vạn sự khởi đầu nan, tôi tin tưởng với những bài học kinh nghiệm được đúc kết cùng với sự đồng lòng của cộng đồng DN, sự tin tưởng của Nhân dân sẽ giúp các ngành, đơn vị tự tin hơn trong hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo”.

Theo Y Du – Báo Đồng Tháp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới