Một nữ kỹ sư và một nam lao động vừa đi xuất khẩu lao động trở về đã bắt tay vào khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp. Cả hai đã đạt được thành công bước đầu sau khi trải qua nhiều khó khăn, thách thức
Thành công từ cây giống cấy mô
Với lợi thế có chuyên môn, kinh nghiệm cùng mong muốn góp phần cung cấp cho nông dân nguồn cây giống chất lượng; đồng thời được tự chủ trong công việc và gần gia đình nên cuối năm 2019, chị Hằng quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp từ cây giống cấy mô.
Con đường khởi nghiệp của chị Hằng gặp không ít khó khăn, trong đó vấn đề đầu tiên là nguồn vốn. Song, bằng quyết tâm, khát vọng tuổi trẻ và sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, những trở ngại của chị dần được giải quyết.
Để vun đắp cho ước mơ, chị Hằng phải mượn thêm tiền của gia đình, bạn bè để mở cơ sở cây giống cấy mô với tên gọi “HF”; xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô rộng hơn 20 m2 và mua sắm những trang thiết thị cần thiết gồm: hệ thống chiếu sáng, máy lạnh, lò hấp và hóa chất…, tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Thời điểm đầu, chị Hằng chỉ dự kiến sẽ nghiên cứu và lai tạo một số giống hoa kiểng đặc trưng ở làng hoa Sa Đéc nhằm cung ứng cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ngay sau khi cơ sở cây giống cấy mô HF đi vào hoạt động, cô gái quê Đồng Tháp nhận được đơn đặt hàng lớn từ khách hàng với hơn 100.000 cây chuối cấy mô, tổng giá trị đơn hàng trên 230 triệu đồng.
Do đó, chị Hằng tìm mua, lựa chọn giống chuối tốt, đạt yêu cầu ở ngoài tỉnh Đồng Tháp. Sau khi đào củ chuối lên, chị mang về xử lý, đưa vào phòng thí nghiệm nhân nuôi một thời gian rồi mang cây để ngoài môi trường tự nhiên cho thuần hóa trước khi cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, giao hàng đúng thời gian theo hợp đồng, chị Hằng chỉ phụ trách sản xuất một phần, phần còn lại của đơn hàng được chia sẻ cho một phòng nuôi cấy mô khác có uy tín cùng sản xuất.
Theo chị Hằng, chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỉ lệ thành công trên 80%. Giống chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô giúp khắc phục những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ) như dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, giảm năng suất, chết cây. “Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, sức phát triển tốt, đỡ tốn chi phí chăm sóc. Đồng thời, cây cho năng suất và chất lượng cao hơn so với giống cây được sản xuất bằng những phương pháp khác” – chị Hằng nói thêm.
Hiện tại, phòng nuôi cấy mô của chị Hằng có khả năng sản xuất 30.000 cây giống/tháng. Cơ sở cây giống cấy mô HF sản xuất chủ yếu là các loại chuối như: chuối xiêm, chuối già, chuối sáp. Bên cạnh đó, chị Hằng đang nghiên cứu, sản xuất một số giống cây nông nghiệp như khoai môn, gừng, kiểng lá…
Theo ông Lương Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp, dự án sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô của chị Hằng có tính đột phá, tính khoa học cao, có nhiều sự khác biệt so với các dự án khởi nghiệp trong tỉnh và khu vực ĐBSCL. Dự án khởi nghiệp này phát triển, mang lại hiệu quả cao sẽ đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Khởi nghiệp từ ống hút tre
Mong muốn khởi nghiệp từ sản phẩm thân thiện với môi trường nên sau khi đi xuất khẩu lao động về, anh Phạm Lê Đạt (30 tuổi; ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nảy ra ý tưởng sản xuất ống hút tre. Chàng trai trẻ này cho biết: “Năm 2016, tôi đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Một lần được ông chủ người Nhật tặng thanh chocolate của Việt Nam sản xuất thì tôi thấy hàng của Việt Nam không bằng hàng của Nhật, có sự chênh lệch về bao bì, mẫu mã, chất lượng. Từ đó, tôi lóe lên suy nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ làm một sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn thân thiện với môi trường để xuất khẩu sang Nhật và nhiều nước khác trên thế giới”.
Vì vậy, sau khi về nước vào năm 2020, anh Đạt quyết định khởi nghiệp với sản phẩm ống hút tre. Ban đầu, chàng trai này tự mình tìm tòi, cưa từng ống trúc, ống tre rồi mài, giũa, lau chùi, sấy ở nhiệt độ cao để diệt khuẩn, đánh bóng… Trong các công đoạn này, người sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sau khi có thành phẩm, anh Đạt gửi mẫu cho các quán cà phê để test thử. Tuy nhiên, một thử thách mới lại đặt ra là giá bán ống hút tre của anh Đạt cao hơn ống hút nhựa. “Một hộp 10 ống hút tre bán với giá 30.000 đồng, với giá này có thể mua nhiều hộp ống hút nhựa nên nhiều quán nước vẫn còn e ngại. Tuy nhiên, vì thấy sản phẩm thân thiện với môi trường nên cũng có một số nơi lấy hàng. Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021 làm mọi hoạt động của cơ sở phải dừng lại. Trong giai đoạn này, tôi đã chăm chút lại sản phẩm và đầu tư máy cắt, máy áp suất… khoảng 200 triệu đồng để nâng công suất thay vì làm thủ công. Đến tháng 5-2021, tôi thành lập Công ty TNHH Thương mại ECO ECO để nâng tầm sản phẩm với mong muốn ống hút dễ dàng đi vào siêu thị”.
Vượt qua giai đoạn ảnh hưởng do Covid-19, đến nay, ống hút tre được nhiều nơi tiêu thụ, đặc biệt là thị trường TP HCM. Các cây tre, trúc, nứa được thu mua phải đạt kích thước đường kính từ 6 – 15 mm và độ tuổi từ 2 – 3 năm. Với máy móc được đầu tư, ống hút tre, trúc thành phần có độ ẩm dưới 10% sẽ loại bỏ được nấm mốc và vi khuẩn, giữ được lâu. Anh Đạt cũng mạnh dạn đưa sản phẩm đi kiểm định, kết quả đạt chuẩn ISO/IEC 17025 2017.
Hiện tại, giá bán lẻ ống hút tre của Công ty TNHH Thương mại ECO ECO là 3.600 đồng/ống loại dài 20 cm, đường kính từ 6 – 12 mm.
Theo Tâm Minh – Ca Linh – Báo Người lao động