Giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,57%, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến theo định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phương thức sản xuất theo hướng hợp tác – liên kết – thị trường được hình thành, trở thành nhu cầu tất yếu trong xu hướng sản xuất mới, thay đổi tư duy, nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất làm tiền đề cho giai đoạn sau.
Các ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đạt kết quả tích cực, trong đó ngành hàng xoài và hoa kiểng đạt kết quả cao, nâng cao giá trị, ổn định vùng sản xuất và sản xuất hoa kiểng kết hợp với phát triển du lịch đã thúc đẩy phát triển đa dạng các dịch vụ. Ngành hàng cá tra cũng mang lại giá trị xuất khẩu cao. Ngành hàng lúa gạo đã phát triển theo xu hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đem lại lợi nhuận cho người nông dân.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, tạo nền tảng cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan tỏa, thu hút gần 50 dự án đầu tư với hơn 5.300 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình Hội quán được hình thành và phát triển, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Hàng trăm Hội quán được thành lập ở 12 huyện, thành phố đã phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường, nhất là có nhiều hợp tác xã được thành lập từ Hội quán. Kinh tế hợp tác luôn được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, giai đoạn 2016 – 2020.
Việc lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở định hướng phát triển và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội nói chung trong giai đoạn 2020 – 2025 chú trọng đến phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và tăng thu nhập người sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy luật cung cầu thị trường, giảm diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, không hiệu quả sang trồng cây ăn trái và các loại hình sản xuất hiệu quả hơn, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, chủ trang trại liên kết với các trường đại học, cao đẳng hình thành trại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho toàn tỉnh để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, phát triển các sản phẩm chủ lực như: Hoa kiểng, cây ăn trái, thủy sản… dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ. Phát triển kinh tế hợp tác, vận dụng các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực quản lý và vai trò gắn kết với doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở tổ chức lại sản xuất làng nghề kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản và các chương trình hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất. Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung. Đặc biệt là nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường, đẩy mạnh truyền thông và kết nối thông tin thị trường tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Dũng Chinh – Báo Đồng Tháp