3.7 C
New York
Thứ bảy, 23 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Gặp gỡ biệt đội “lái chim sắt” ở Đồng Tháp

Những năm gần đây, nông dân Đồng Tháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào canh tác lúa, đưa cả máy bay không người lái (drone) có giá trị hàng tỷ đồng vào phun xịt thuốc trên lúa. Xu hướng đưa công nghệ vào đồng ruộng vừa giúp nền kinh tế mũi nhọn của Đồng Tháp đột phá vừa tạo cơ hội để những ngành nghề mới được phát triển tại vùng Đất Sen hồng.

“Phi công” Trần Minh Mẫn (bìa phải), Nguyễn Văn Lộc (giữa), Nguyễn Hữu Điền (bìa trái) tác chiến tại cánh đồng lúa của huyện Tân Hồng

Chuyện về đồng làm “phi công”

Một trong những nghề mới nổi thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đó là nghề “phi công” lái bay phun xịt thuốc (còn được gọi là nghề “lái chim sắt”). Đây là công việc mang lại thu nhập ổn định và thu hút nhiều lao động trẻ bỏ phố về quê lập nghiệp.

Để tìm hiểu kỹ hơn về nghề “lái chim sắt”, chúng tôi đã tìm đến Đội máy bay phun xịt thuốc Trung Tiến ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông của anh Lê Quốc Trung. Đây là một trong những thanh niên đầu tiên của huyện Tam Nông khởi nghiệp với mô hình cung cấp dịch vụ máy bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Hiện đội bay của anh Trung sở hữu số lượng con bay phun xịt thuốc và số lượng “phi công” khá lớn tại vùng Đất Sen hồng.

Qua lời giới thiệu của anh Lê Quốc Trung, chúng tôi xin theo chân một nhóm “phi công” trẻ phụ trách “tác chiến” ở khu vực những cánh đồng lúa của huyện Tân Hồng. Đây là nhóm gồm 3 bạn trẻ đều sinh năm 1997, là cựu sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. 2 “phi công” có kinh nghiệm nhất trong nhóm từng “chinh chiến” cùng con drone trên khắp các cánh đồng lúa của huyện Tam Nông, Tân Hồng là bạn Nguyễn Hữu Điền và bạn Trần Minh Mẫn. Người mới gia nhập nhóm là bạn Nguyễn Văn Lộc có hơn nửa năm gắn bó với điều khiển máy bay không người lái.

Nhìn gương mặt còn “non choẹt” ít ai biết cả 3 bạn “phi công” này đều là kỹ sư nông nghiệp và từng có thâm niên với nghề giám sát về kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho một doanh nghiệp lớn trong nước. Dù có nhiều kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn lớn nhưng nhóm thanh niên này đều chọn về quê hương gắn bó với nghề “phi công” lái máy bay phun xịt thuốc BVTV.

Chia sẻ chuyện về quê lập nghiệp, bạn Nguyễn Hữu Điền tâm sự: “Mặc dù công việc làm giám sát kỹ thuật trước đây đem lại thu nhập khá cao và ổn định nhưng sau một thời gian mưu sinh ở xứ người, em nghĩ mình nên trở về quê hương để lập thân, lập nghiệp. Em mong muốn mang những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được để về phục vụ quê hương. Sau khi trở về Đồng Tháp, chúng em thấy mô hình đưa máy bay không người lái vào phục vụ phun xịt thuốc BVTV đang có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai nên quyết định lựa chọn dấn thân vào nghề mới này. Hi vọng với công việc mới mẻ này sẽ giúp em và các bạn có thêm nền tảng vững vàng để sau này có thể về khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp tại quê nhà”.

Để làm một “phi công” thiết bị bay không người lái, cả Điền, Mẫn và Lộc đều phải trải qua thời gian dài học việc và cọ sát thực tế khoảng hơn 3 tháng mới có thể tự tin điều khiển những con bay an toàn trên bầu trời.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn về quê để bén duyên cùng nghề “lái chim sắt”

Thận trọng, chính xác – đức tính cần có của nghề

Nhìn chúng tôi tròn xoe mắt ngắm con drone bay lượn trên ruộng lúa một cách điệu nghệ, bạn Nguyễn Văn Lộc giải thích: “Vì đã từng bay trên miếng ruộng này nên con drone ghi nhớ bản đồ đường bay mà tụi em đã lập trình từ những lần bay trước. Vì vậy, lần này chỉ cần pha thuốc là có thể bắt tay vào vận hành để máy bay phun xịt. Việc bay theo bản đồ được lập trình sẵn, chỉ cần mất khoảng 20 phút là thiết bị hoàn thành nhiệm vụ phun xịt cho hơn 3ha. So sánh với phương pháp phun xịt bằng tay, với diện tích trên, người nông dân phải mất cả buổi mới xong việc. Nhờ sự ưu việt của con bay vừa phun nhanh lại tiết kiệm thuốc BVTV nên hiện nay nhiều nông dân chuyển sang xịt thuốc bằng máy bay không người lái khá nhiều”.

Theo bạn Nguyễn Văn Lộc, tùy vào lứa tuổi của cây lúa, vị trí địa hình của ruộng lúa, người điều khiển thiết bị sẽ lựa chọn kỹ thuật bay khác nhau. Cụ thể, đối với cây lúa còn nhỏ, làn bay sẽ hẹp để đảm bảo lượng thuốc được khuếch tán đều trên trên mặt cây lúa. Đối với cây lúa lớn, làn bay sẽ được kéo rộng qua. Tuy nhiên, đối với những khu vực ruộng lúa có địa hình đặc biệt như có nhiều cây cối và vật cản, phải hết sức lưu ý không được vận hành chế độ bay tự động mà phải chuyển sang kỹ thuật lái bằng tay để có thể đảm bảo lượng thuốc phun xịt đầy đủ cho cây lúa và đảm bảo an toàn cho con bay. Đặc biệt đối với những ruộng có nền đất lún, cần lưu ý cho máy bay bay cao để tránh để sức gió từ máy bay làm lúa bị đổ ngã.

Dù được tập huấn kỹ trước khi ra “tác chiến” nhưng cũng không ít lần các bạn phải rơi vào những tình huống dở khóc dở cười khi máy bay đang thực hiện nhiệm vụ lại tự động rơi phụt xuống ruộng. Bạn Trần Minh Mẫn bồi hồi kể: “Lần đó, em điều khiền máy bay phun xịt thuốc cho một ruộng lúa ở huyện Tam Nông, khi thiết bị bay được mấy đường nhưng va phải lưới giăng chim trời của người dân, lảo đảo rồi rơi xuống đất làm cháy mấy cái mô-tơ. Lần đó sửa chữa và thay mới mô-tơ mất hết hơn chục triệu đồng nhưng anh Trung đội trưởng không hề la rầy vì đây là tai nạn không ai mong muốn. Rút kinh nghiệm sau lần đó, mỗi lần bay ở những khu vực mới em đều hỏi kỹ người dân địa phương và khảo sát địa hình trước mới dám bay. Thận trọng cũng là một đức tính bắt buộc của nghề phi công bọn em”.

Không riêng Mẫn mà hầu như hết các “phi công” đều từng rơi vào những tình huống “éo le” với những con drone rất thông minh nhưng cũng có đôi lúc hay dở chứng. Do đó ngoài tính cẩn thận thì kinh nghiệm “tác chiếc” dày dặn cũng là một ưu thế để có thể gắn bó lâu dài với nghề “phi công miệt đồng”.

Nông dân sử dụng drone trong canh tác lúa tại Đồng Tháp

“Phi công” không chỉ biết lái máy bay

Giờ đây, những con drone vừa giúp nông dân tỉnh nhà giải quyết hiệu quả bài toán nan giải là thiếu lao động ở nông thôn vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư trong sản xuất. Xu hướng mới này còn là giải pháp giúp nền nông nghiệp có thể tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Với mong muốn phát triển nền nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, anh Lê Quốc Trung, Đội trưởng Đội máy bay phun xịt thuốc Trung Tiến còn mong muốn giúp nông dân kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra của lúa gạo, đó sẽ là nền tảng để lúa gạo của Việt Nam có thể vươn xa hơn và đến được với những thị trường khó tính.

Chia sẻ về hoài bão của mình, anh Lê Quốc Trung tâm sự, có nhiều năm gắn bó với nông dân và các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng điểm nghẽn lớn nhất trong xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo chính là việc kiểm soát tồn dư thuốc BVTV trong hạt gạo. Với thói quen và tập quán canh tác, nông dân rất khó để sản xuất được lượng hàng hóa lớn đồng chất để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, khi tuyển chọn “phi công” đầu vào, chúng tôi ưu tiên các bạn có chuyên môn đào tạo về nông nghiệp. Vì “phi công” chỉ là công việc trước mắt, sau này nhiệm vụ của các bạn ấy còn là hướng dẫn và giám sát kỹ thuật trong sản xuất lúa giúp nông dân. Trong giai đoạn kế tiếp, chúng tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và liên kết với nông dân để hình thành một vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo lớn theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Giải pháp này không những giúp doanh nghiệp có được một lượng hàng hóa lớn, chất lượng để xuất khẩu các thị trường khó tính mà còn là cách giúp nông dân giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra những cơ hội giúp nền nông nghiệp nông thôn tạo ra được những đột phá mới. Xu hướng mang công nghệ về đồng được xem là đòn bẩy giúp nền kinh tế mũi nhọn của Đất Sen hồng phát triển và còn là động lực hấp dẫn thế hệ trẻ trở về quê hương lập nghiệp với nghề nông. Trong tương lai, để kiến tạo một nền nông nghiệp Đồng Tháp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững thì lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao và có nhiệt huyết sẽ được xem là một trong những yếu tố cốt lõi.

MỸ LÝ – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới