16.2 C
New York
Thứ Tư, 24 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Du lịch Đồng Tháp vượt khó

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Đồng Tháp đạt 3,9 triệu lượt khách, trong đó có 95.000 lượt khách quốc tế, tăng 8,3% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng, có những thời điểm, ngành du lịch hoàn toàn “đóng băng”, dừng tất cả các hoạt động, kể cả dừng đón khách. Tính cả năm 2020, tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh chỉ đạt 2,7 triệu lượt, giảm 31,6%; tổng doanh thu du lịch đạt 840 tỷ đồng, giảm 20,05% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, đại dịch Covid-19 lại tái bùng phát và kéo dài đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của hoạt động du lịch ở Đồng Tháp. Tỉnh đã dời tổ chức và không tham gia nhiều hoạt động, sự kiện du lịch; các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tạm dừng đón tiếp khách nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân và du khách, khiến tổng thu du lịch ước thực hiện 9 tháng đầu năm chỉ đạt 400 tỷ đồng, tổng lượng khách đạt 1,3 triệu lượt khách, bằng 1/3 so với mức bình thường.

Khách du lịch tham gia trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; các khu di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có những khoảng thời gian hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, từ tháng 6/2021, các đơn vị đã hoàn toàn dừng hoạt động, thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Tuy tạm ngưng hoạt động nhưng các đơn vị kinh doanh du lịch vẫn phải trả các chi phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, lãi vay ngân hàng, điện nước, tiền lương cho nhân viên. Trước thực trạng này, phần lớn các đơn vị rơi vào tình thế cạn kiệt nguồn tài chính, gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến, trong năm 2021, có 1 doanh nghiệp lữ hành Quốc tế và 1 doanh nghiệp lữ hành nội địa ở Đồng Tháp đã xin trả giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Các doanh nghiệp còn lại đang cầm cự, duy trì và chờ đại dịch Covid-19 ở trong nước được kiểm soát để khôi phục lại hoạt động du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đều phải cắt giảm nhân viên, người lao động, cho tạm nghỉ việc không hưởng lương, chỉ bố trí một vài nhân sự nòng cốt để trực tại đơn vị (tùy điều kiện của từng đơn vị).

Việc các đơn vị tạm dừng hoạt động đã khiến cho hơn 1.000 lao động trong ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người lao động đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Tháp cũng như cả nước cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc duy trì hoạt động và phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch là đang thiếu hụt nguồn tài chính để chuẩn bị tái hoạt động du lịch hậu Covid-19, vì phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại phải trải qua gần 2 năm đầy “sóng gió” với 4 đợt đại dịch Covid-19 liên tiếp, nên nguồn lực gần như đã cạn kiệt, không có nguồn thu, mặt khác lượng khách sụt giảm nhiều, gánh nặng lãi vay ngân hàng và chi phí tiền lương. Khó khăn tiếp theo đó là khủng hoảng nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch đa số bị thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các cơ sở sớm phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì cần nhiều giải pháp. Các ngành chuyên môn của tỉnh, cần tập trung tham mưu tốt việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch nói riêng cũng như các lĩnh vực ngành khác nói chung thông qua xem xét, nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, đã rà soát cung cấp danh sách 105 cơ sở lưu trú du lịch cho Công ty Điện lực Đồng Tháp để hỗ trợ giảm giá điện đợt 3 năm 2021 trên 600 triệu đồng; thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 27 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền trên 100 triệu đồng. Hỗ trợ 67 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (thuộc các cơ sở lưu trú) số tiền trên 248 triệu đồng và hỗ trợ 245 đối tượng lao động; triển khai ngay Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, khi được ban hành chính thức, với nội dung cho doanh nghiệp lữ hành rút bớt tiền ký quỹ từ ngân hàng để trang trải khó khăn trong giai đoạn này. Song song đó, cần có các gói hỗ trợ, cho vay lãi suất thấp đối với các cơ sở kinh doanh nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, không nằm trong diện hỗ trợ gói cho vay lãi suất 0% theo Nghị quyết 68. Qua đó, các cơ sở có được nguồn vốn tái đầu tư, kinh doanh sau dịch, nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ lao động tại cơ sở.

Về giải quyết khủng hoảng nguồn nhân lực, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, các doanh nghiệp nên sắp xếp lại vị trí việc làm, cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán để không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đào tạo lại. Xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời có hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm giữ chân nguồn nhân lực. Các cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ, đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch để củng cố lại đội ngũ lao động, sau khi một lượng lớn lao động của ngành bị biến động trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra.

Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp phục vụ khách du lịch của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch, các khu di tích, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở lưu trú du lịch, khu di tích, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đăng ký “Điểm đến đáp ứng các biện pháp bảo đảm an toàn” và thực hiện tự đánh giá an toàn Covid-19 trong tình hình mới theo “Bảng đánh giá an toàn Covid-19 tại cơ sở lưu trú du lịch” trong hệ thống phần mềm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thực hiện nghiêm 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đây là giải pháp cần thiết, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh và tạo điều kiện bình thường mới cho phát triển kinh tế, xã hội; tạo đà cho việc phục hồi và phát triển lĩnh vực ngành trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covi-19, du lịch nội địa sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới, với các chuyến đi ngắn ngày, hướng về các di sản văn hóa, thiên nhiên, tránh những tụ điểm đông đúc. Vì vậy, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường, du lịch sức khỏe,… tổ chức thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi để thu hút khách du lịch.

Nguyễn Toàn – Báo Đồng Tháp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới