Trong 05 năm (2015 – 2020), ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện trên 120 mô hình. Phần lớn các mô hình mang lại hiệu quả, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.
Tại Hội nghị Tổng kết các mô hình sản xuất hiệu quả, đề xuất nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức vào chiều ngày 07/3, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc nhân rộng các mô hình trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.
Tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện mô hình là trên 50 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 41 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình do các tổ chức, cá nhân tự thực hiện.
Mô hình mang lại hiệu quả cao, có thể kể đến: Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0, được thực hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; sinh kế mùa lũ tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, với 04 loại hình sinh kế (kết hợp trồng lúa, hoa màu với nuôi cá, vịt). Mô hình khắc phục vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi tại huyện Lai Vung; hệ thống tưới phun, điều khiển tự động; sử dụng phân đơn bón lót cho lúa trong giai đoạn làm đất chuẩn bị xuống giống; sản xuất rau hữu cơ; ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi heo an toàn sinh học v.v..
Bên cạnh đó, còn có 60 điểm tham quan tham gia mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, giúp gia tăng chuỗi giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Mặc dù có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được xây dựng, tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo các đại biểu, một số mô hình quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún nên chưa liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp; kinh phí thực hiện mô hình có hạn, chưa đủ mạnh trong phát triển sản xuất hàng hoá; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong một số mô hình còn hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Một số mô hình có vốn đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt nên nông dân khó tham gia v.v..
Để nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đề nghị tuyên truyền, tập huấn cho các hộ dân về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi mới. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các mô hình đột phá trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành và địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và chuẩn hóa quy trình sản xuất; tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất riêng của từng địa phương v.v..