ĐTO – TP Hồng Ngự được xác định là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp; kết nối giao thương, đối ngoại giữa Việt Nam với nước bạn Campuchia. Những năm qua, kinh tế – xã hội TP Hồng Ngự đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 5,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,75 lần so với giai đoạn trước, là thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2020. Việc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng người dân xây dựng nhà ở ven sông, kênh rạch trái quy định. Chưa định hình rõ nét mô hình kinh tế đô thị…
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) vừa ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội TP Hồng Ngự đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển TP Hồng Ngự với hình ảnh đô thị trẻ, hiện đại và năng động; là đô thị hạt nhân, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung chuyển, phân phối hàng hóa qua biên giới; giữ vai trò là cửa ngõ biên giới và trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực biên giới. Phát huy và khai thác các thế mạnh sẵn có từ vị trí địa lý để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết đề ra đến năm 2025 hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại III và đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại II. Là thành phố mang bản sắc của đô thị sông nước vùng biên giới; phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh; từng bước phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp tập trung của khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp. Và đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới của tỉnh; là đầu mối giao thương quan trọng với các vùng kinh tế lân cận và các nước bạn (Campuchia, Lào, Thái Lan).
TP Hồng Ngự đang tập trung quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, nhất là sớm hoàn thành Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hồng Ngự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu và tổ chức thực hiện dự án, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn. Quy hoạch lại các phân khu trung tâm các phường: An Thạnh, An Lộc, An Lạc, An Bình A và An Bình B để phát triển khu vực nội thị, mở rộng không gian đô thị theo xu hướng phát triển. Định hướng không gian phát triển đô thị và xác định các phân khu chức năng hợp lý. Khẩn trương hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Thành phố chú trọng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, chợ biên giới. Nâng cấp hệ thống chợ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ khu vực biên giới. Thu hút đầu tư khu kho vận thương mại đô thị, với vai trò đầu mối, trung chuyển hàng hóa của khu vực biên giới. Khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, cung cấp các dịch vụ phục vụ thương mại, nhất là thanh toán điện tử. Phát triển các tuyến phố thương mại nằm trong tổ hợp trung tâm thương mại. Tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, thương mại, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, thông suốt phục vụ vận tải hàng hóa lớn. Cân đối nguồn lực từ ngân sách tỉnh hỗ trợ thành phố đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển và tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khu vực biên giới của tỉnh. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực tại chỗ, phát huy nguồn lực nội tại của địa phương và thu hút các nguồn vốn đầu tư khác. Chủ động vận động và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tăng thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia; từng bước hình thành trường THPT trọng điểm chất lượng cao khu vực biên giới.
NGỌC TÂM – BÁO ĐỒNG THÁP