17.8 C
New York
Thứ Hai, 9 Tháng Chín 2024

Buy now

spot_img

Công thức 7K + 3T: Giải pháp giúp chúng ta sống chung với dịch?

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng phát triển sách Doanh nhân, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình – vừa đề xuất bổ sung 2K và 3T vào công thức 5K của Bộ Y tế. Công thức đó là gì? Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu bài viết của ông Hải.

Công thức 7K + 3T được doanh nhân Lê Viết Hải đề xuất trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp

Đại dịch Covid-19 với biến chủng mới trong hai tháng vừa qua đã bùng phát quá nhanh trên toàn quốc, nằm ngoài mọi dự đoán. Vì vậy, chúng ta cần phải có phản ứng thật nhanh để đối phó với tình hình nguy cấp này, đó là cần huy động tối đa mọi nguồn lực từ phía Nhà nước và sự tham gia phòng chống dịch từ hơn 90 triệu người dân và hàng triệu doanh nghiệp. Tất cả đều phải chủ động và tích cực hơn rất nhiều mới mong vượt qua được đại dịch vô cùng nguy hiểm này!

Do đó, khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” và “Thông điệp 5K” là chưa đủ.

Bổ sung 2K là Không khí trong lành – Khỏe mạnh

Chúng ta cần phải có ngay một công thức mới theo hướng mọi người dân và doanh nghiệp đều trong tâm thế sẵn sàng ứng phó và ứng phó một cách hiệu quả bất cứ lúc nào thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc xác định mình đang mang bệnh. Đó là “Công thức 7K+3T”.

Trong đó 7K bao gồm : “Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế – Không khí trong lành – Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự điều trị”.

“Công thức 7K+3T” được phát triển dựa trên thông điệp 5K của Bộ Y tế và chắt lọc từ yêu cầu thực tế của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, đó là những thông tin do tập thể Hoà Bình tìm hiểu, nghiên cứu nhằm phổ biến trong nội bộ, trên tinh thần chủ động phòng chống đại dịch Covid-19.

“Công thức 7K + 3T” không chỉ gia tăng khả năng phòng bệnh mà còn giúp cho mỗi người dân và doanh nghiệp có được sự chủ động chống lại dịch bệnh.

K thứ 6 là “Không khí trong lành”. Như chúng ta đều biết biến chủng Covid mới có thể lây lan chỉ trong vài giây khi hít thở chung không khí với người bệnh. Vi rút Covid-19 sẽ nhanh chóng chết đi khi nhiệt độ trên 25 độ C, vì thế chúng ta nên cài đặt nhiệt độ máy lạnh cao hơn 27 độ C, đồng thời có thêm thiết bị khử khuẩn. Trong những khu cách ly, nhằm hạn chế lây nhiễm chéo khi sử dụng nhà vệ sinh và hành lang chung, cần trang bị đèn tia cực tím để khử khuẩn trong không khí – loại đèn có tính năng tự động mở khi không có người sử dụng. Việc mở cửa để không khí thông thoáng chỉ nên áp dụng cho những khu vực không có F1, F0. Còn đối với người cần cách ly, thì nên ở phòng kín có máy lạnh nhiệt độ trên 27 độ C và dùng máy lọc không khí có chức năng khử khuẩn, với màng lọc than hoạt tính để không khí thoát ra ngoài không còn vi rút sống sót.

K thứ 7 là “Khỏe mạnh”. Đó là điều kiện rất quan trọng để giúp chúng ta chống được bệnh khi rủi ro bị lây nhiễm. Dù trẻ hay già, có bệnh nền hay không, chúng ta cũng cần chú ý luyện tập thể dục thường xuyên, sinh hoạt điều độ và bổ sung thêm vitamin C.

Hai K mới bổ sung là những thói quen tốt mà mỗi người cần thực hiện thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, để chúng ta sẵn sàng đối phó với hiện tại, chuẩn bị cho tương lai, phòng khi có dịch bệnh khác xuất hiện.

3T là Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự chăm sóc

Ngày 14/7, Bộ Y tế đã ban hành văn bản 5599 về quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19, theo đó giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ và việc điều trị không cần thiết bị y tế chuyên dụng.

Tôi rất mong Bộ Y tế nhanh chóng soạn thảo và công bố các hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc tự phát hiện bệnh – tự cách ly- tự chăm sóc, mà tôi gọi tắt là 3T. Những hướng dẫn đó cần rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh, gia đình và doanh nghiệp có thể thực hành hiệu quả nhất! Đồng thời, ngành y tế cần thiết lập đường dây nóng có đội ngũ bác sỹ, chuyên gia trả lời mọi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã soạn nội dung 3T này để phổ biến trong nội bộ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, tuy nhiên, chúng tôi thấy rất cần sự hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế, chứ không chỉ là ý kiến của những bác sĩ và chuyên gia với rất nhiều sự khác biệt.

Mỗi người dân cần thường xuyên rà soát những người mình đã tiếp xúc để tự xác định mình đang ở nhóm nguy cơ F1, F2 hay F3 để có phương án cách ly phù hợp. Thông điệp mà Bộ Y tế đưa ra cần phải giúp người dân tự phát hiện bệnh, biết cách tự làm xét nghiệm hoặc chủ động tìm đến cơ sở y tế có dịch vụ làm xét nghiệm. Khi thấy có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh, dù ở nhà hay ở chỗ làm việc, người dân cần phải biết tự cách ly và tự điều trị cho mình theo hướng dẫn tin cậy của ngành y tế. Sự sẵn sàng này của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi doanh nghiệp là hết sức cần thiết, giúp giảm áp lực cho ngành y tế, vì hiện nay như chúng ta đều biết các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM đang bị quá tải, kể cả các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung. Điều cần lưu ý thêm, bên cạnh các bệnh nhân Covid-19, ngành y tế còn phải điều trị cho số bệnh nhân mang các loại bệnh khác và không thể bỏ rơi họ.

Hướng dẫn 3T được phổ biến tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

Công tác xét nghiệm Covid-19 theo tôi hiện quá tốn kém và không hiệu quả. Trong vòng 3 ngày đến 7 ngày, người có xét nghiệm âm tính được phép đi lại nhưng trong thời gian đó họ vẫn có thể phát bệnh mà không biết, mặt khác việc lây lan cho người khác có thể xảy ra ngay khi vừa có kết quả âm tính.

Việc cách ly F1 hiện nay cũng không còn tác dụng tích cực ngăn bệnh lây lan, mà chính việc tập trung F1 tại một nơi không bảo đảm điều kiện cách ly làm cho số người bệnh tăng nhanh hơn, dẫn đến sự quá tải cho ngành y tế và lực lượng phòng chống dịch. Đã có trường hợp người bị cách ly phản ứng dữ dội với những người quản lý khu cách ly. Đây là vấn đề Nhà nước cần có giải pháp khắc phục ngay.

Tìm giải pháp hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine cho 75% dân số trong quý 1/2022

Theo tôi giải pháp hiệu quả nhất để trở lại cuộc sống bình thường vẫn là đẩy mạnh tối đa việc tiêm chủng vaccine và triển khai trên cả nước càng sớm càng tốt.

Chúng ta đã có sự chậm trễ trong việc đặt mua vaccine tiêm chủng cho toàn dân nhưng điều đáng mừng là trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ đã đàm phán thành công để mua đủ 170 triệu liều vaccine. Theo thông tin công bố ngày 16/7, Việt Nam sẽ nhập vaccine về nhiều đợt, để có đủ số lượng đó trong quý 1 năm 2022!

Tốc độ tiêm chủng vừa qua được triển khai rất chậm và cần có cách làm khác đi mới mong đuổi kịp các nước khác, vì trong khối 11 nước Đông Nam Á, đến nay Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp nhất! Chỉ bằng cách tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng cho toàn dân, chúng ta mới có thể mở cửa và đạt được mục tiêu kép – vừa bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, vừa phát triển kinh tế.

Theo tôi, quy trình tiêm vaccine cần được điều chỉnh theo hướng áp dụng công nghệ IT để sàng lọc tự động. Người dân cần khai báo và chịu trách nhiệm về lời khai của mình, nội dung khai báo đủ xác định có thể tiêm vaccine cho họ hay không. Sau khi tiêm chủng, nên tránh giữ người đã chích ngồi lại thêm 30 phút vì rủi ro tập trung đông người gây ra lây nhiễm trong khi thuốc chưa phát huy tác dụng. Rủi ro này có tỷ lệ cao hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với sốc phản vệ.

Công tác tiêm chủng vaccine cần được xác định là ưu tiên số một để đạt được mục tiêu kép!

Tiêm chủng vaccine cần được xác định là ưu tiên số một để đạt được mục tiêu kép

Ngoài việc đàm phán nhập vaccine, chúng ta cần đầu tư trang bị kho lạnh phù hợp cho từng cở sở y tế tại 63 tỉnh thành để lưu trữ vaccine. Song song việc nhập vaccine, chúng ta phải bảo đảm cung cấp đủ thuốc men nâng cao thể lực và điều trị các triệu chứng bệnh cho người dân như các loại vitamin và thuốc hạ sốt. Chính tôi đã gặp khó khăn khi tìm mua vitamin C và thuốc hạ sốt.

Một hướng quan trọng khác để chấm dứt cuộc chiến này là thuốc điều trị Covid-19. Ngay từ bây giờ, Chính phủ cần chủ động liên hệ với nhà sản xuất để đặt mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19. Thuốc này đã được thử nghiệm lâm sàng thành công giai đoạn 1 và 2 trên người, đang thử nghiệm giai đoạn 3 và dự kiến cuối năm nay tiến hành sản xuất đại trà.

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, ngành y tế cần huy động các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác điều trị Covid-19 và tiêm chủng cho toàn dân. Nếu làm tốt việc huy động tối đa các nguồn lực đang có trong nước, chúng ta có thể thành công trong mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số nội trong quý 1 năm 2022. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, việc tiêm chủng cho trên 75% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu chiến lược cần tập trung cao độ để thực thi.

Hy vọng “Công thức 7K+3T” sẽ trở thành một giải pháp chung được sử dụng trên cả nước để giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng, từ đó người dân và doanh nghiệp có thể sống chung với dịch và nhanh chóng thiết lập cuộc sống bình thường mới.

Theo doanhnhansaigon.vn

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới