Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trần Thị Bé Thùy (ngụ xã Phú Thành A, H.Tam Nông, Đồng Tháp) có một năm sang Nhật làm thực tập sinh. Chuyến đi này đã giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cách quản lý, chế biến, sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm để khởi nghiệp sản phẩm nông nghiệp quê nhà.
Rà soát nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, Thùy nhận thấy có rất nhiều hộ nuôi cá thát lát cườm nhưng đa phần bán cá tươi nên giá trị gia tăng của mặt hàng này chưa cao. Ý tưởng làm chả cá thát lát cườm thực sự lóe lên khi Thùy thăm dò nhu cầu thị trường và thấy còn nhiều tiềm năng. Nhưng điều khiến cô trăn trở là làm cách nào để khẳng định được thương hiệu này trên đất Đồng Tháp.
“Nhắc đến chả cá thát lát cườm, có lẽ nhiều người nghĩ đến Cần Thơ, Hậu Giang. Lúc đầu, tôi khá áp lực vì nhiều ý kiến cho rằng thương hiệu sẽ chìm nghỉm do ở Đồng Tháp thì khó thể có chỗ đứng. Nhưng tôi nghĩ rằng tỉnh bạn đã thành công theo một cách khác, biết đâu cách làm riêng của mình cũng mang lại điều gì thú vị cho mọi người thì sao”, Thùy vui vẻ nói.
Dấu ấn riêng Thùy nhắc tới là loại chả thát lát cườm tẩm gia vị theo công thức đặc trưng của gia đình. Thùy kể, nhiều năm trước, gia đình có nuôi ao cá thát lát cườm và mẹ của cô thường xuyên làm chả để nấu ăn nên cũng có chút “ngón nghề”.
“Có những loại gia vị, bước làm rất khác so với quy trình hướng dẫn làm chả cá thát lát cườm tôi đọc được trên mạng. Khi bắt tay khởi nghiệp, tôi đã học hỏi “bí quyết gia truyền” từ mẹ và cập nhật thêm những thông tin hay trên internet để ngày càng hoàn thiện sản phẩm”, Thùy chia sẻ.
Khi đã hài lòng về khâu chế biến, Thùy thiết kế bao bì, nhãn mác chỉn chu và lấy tên thương hiệu là Dota food. Thùy thông tin: “Dota là viết tắt của chữ Đồng Tháp. Tôi muốn giới thiệu với thực khách rằng Đồng Tháp cũng có loại chả cá thát lát cườm mang hương vị riêng, chất lượng không kém các tỉnh bạn”.
Thời điểm ra mắt sản phẩm cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở ĐBSCL. Trong một thời gian dài, mặt hàng như bị “đóng băng” do sức mua chậm. “Có lúc tôi muốn bỏ ngang để làm một cái gì khác. Tuy nhiên, trong dịch lúc dịch Covid-19 bùng phát, mọi người đều gặp khó khăn nên tôi cố gắng, tự nhắc nhở bản thân là không được nản”, Thùy nói và cho biết đã lập trang Fanpage, tuyển cộng tác viên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để vượt qua khó khăn lúc bắt đầu khởi nghiệp.
Hiện thương hiệu Dota food đã có một thị trường tiêu dùng ổn định, tiềm năng nhất là TP.HCM. Trung bình mỗi tháng, cơ sở Dota food xuất bán hơn 500 kg chả, giúp tiêu thụ hơn 1 tấn cá thát lát cườm nguyên liệu ở địa phương. Qua đó, Thùy góp phần tạo cơ hội việc làm thêm cho 4 – 5 phụ nữ lao động gần nhà với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Thùy cho biết nhiều nơi đặt mua hàng nhưng nguồn cung chưa đủ. Sắp tới, để phát triển mô hình khởi nghiệp của mình, cô sẽ đầu tư một số máy móc có thể thay thế những việc làm thủ công. Bên cạnh đó, ý tưởng làm chả cá chế biến sẵn đóng gói, có thể mở ra dùng ngay của người Nhật cũng đang được Thùy theo đuổi, nhằm hướng đến việc đa dạng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Thanh Duy – Báo Thanh Niên