14.3 C
New York
Thứ Tư, 24 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Chuyển đổi số là hành trình lâu dài, không phải là ‘điều kỳ diệu’ tức thì

‘Đừng cầu nguyện những ngày truyền thống sẽ quay trở lại. Không có ngày đó nữa…’, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền đã nhấn mạnh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chấp nhận thực tế này, và phải nhanh chóng định hướng mô hình kinh doanh mới thông qua việc chuyển đổi số.

Con người cần phải nhìn vào mắt nhau để có những ‘điểm chạm’

Doanh nghiệp cần tìm ra những “điểm chạm” mới để gắn kết với người tiêu dùng trên hành trình trải nghiệm của họ. Ảnh: TL

Năm Covid-19 thứ hai đang tiếp tục đe dọa, ảnh hưởng mạnh đến đời sống kinh doanh của nhiều người. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang điêu đứng, cầm cự hoặc buộc phải đóng cửa vì hết khả năng “sống sót”. Tình huống không có trong kịch bản đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức lại, tư duy lại và thay đổi hướng đi phù hợp hơn.

Trong cuộc tham vấn với doanh nghiệp SME sáng 5/6, chuyên gia Nguyễn Phi Vân thúc hối doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số.

“Nhiều doanh nghiệp nói rằng chuyển đổi số là phải lên online, nhưng không hẳn là như vậy. Tất cả những gì ta nhìn thấy như Website, Fanpage, Youtube… của doanh nghiệp chỉ là 10% của tảng băng nổi. Chuyển đổi số của doanh nghiệp phải căn cơ và là một hành trình mang tính lâu dài”, bà Phi Vân chia sẻ.

Việc thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng không có nghĩa là đập bỏ hết, mà cần có một cái nhìn sâu vào doanh nghiệp của mình để tìm ra hướng đi phù hợp. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có hướng đi khác nhau, có khi phải cân bằng online và offline. Cả 2 phải kết hợp với nhau để tạo ra một “sinh khí” mới cho doanh nghiệp.

Thực tế “con người cần phải nhìn vào mắt nhau để có những điểm chạm”. Online hay offline trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp vẫn cần phải hiểu người tiêu dùng, cung cấp cho họ những gì họ mong muốn. Con người càng online nhiều hơn thì doanh nghiệp càng phải thỏa mãn họ những sản phẩm dịch vụ mới đúng xu hướng, nhưng cơ bản vẫn là đáp ứng được mong muốn của họ thông qua những kênh mới, cách thức mới.

3 khó khăn lớn của doanh nghiệp khi số hóa

Số hóa là điều kiện cần để phát triển trong tương lai. Đây là điều bắt buộc doanh nghiệp phải làm để tồn tại và phát triển trong thời nay. Tuy nhiên, rất nhiều SME đang lúng túng khi bắt tay vào số hóa.

Người tiêu dùng ngày càng thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu, thói quen của khách hàng trong tương lai. Nguồn: Deloitte

Vậy khó khăn là gì?

Theo bà Phi Vân, những thay đổi đầu tiên của doanh nghiệp khi số hóa đó là những trang web, FB, Instagram, Tiktok… được doanh nghiệp xây dựng. Nhưng đây chỉ là 10% tảng băng của cả quá trình số hóa mà ta thường nhìn thấy. 90% còn lại đó là những gì thuộc về nền tảng để kết nối các dữ liệu, các quy trình để doanh nghiệp triển khai marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng, tạo doanh thu… Đó chính là quản trị số. Đó là cách doanh nghiệp tìm ra các dữ liệu, nhìn được dữ liệu, quản trị hành trình của dữ liệu.

Từ kinh nghiệm làm việc với các SME, bà Phi Vân thống kê có 3 thử thách lớn cho doanh nghiệp khi số hóa, đó là: (1) chủ doanh nghiệp không cập nhật được xu hướng, không hiểu biết về số hóa; (2) thiếu niềm tin vào người dẫn dắt sự thay đổi số trong doanh nghiệp; (3) chưa có tiếng nói chung giữa chủ doanh nghiệp với những người cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

“Có 50-60% nhân sự của doanh nghiệp không theo được quá trình chuyển đổi số. Do vậy khi bắt đầu, chủ doanh nghiệp nên nói rõ với các nhân sự về lợi ích của dự án. Nếu không cam kết thì sẽ… chia tay”.
Bà Nguyễn Phi Vân

Thực tế trong quá trình chuyển đổi số, điều kiện tiên quyết là chủ doanh nghiệp phải quyết tâm và có tư duy đúng. Chủ doanh nghiệp phải là người nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của thị trường.

“Nếu tôi không thay đổi, không số hóa thì sẽ chết. Chỉ khi nào doanh nghiệp bị dồn đẩy đến hoàn cảnh như vậy thì họ mới thực sự thay đổi”, bà Phi Vân nhận xét.

Thông thường chủ doanh nghiệp SME là người hiểu rất rõ về doanh nghiệp của họ trong quá khứ, nhưng ít hiểu về công nghệ và các ngữ cảnh của tương lai. Muốn chuyển đổi số thì lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu về kinh doanh, hiểu tech, hiểu dữ liệu và bối cảnh thị trường tương lai… Doanh nghiệp phải biết tập hợp các nguồn lực hiện có để quản trị. Do vậy, nếu chủ doanh nghiệp không am hiểu về số hóa, tâm lý chung là họ sẽ sợ, sẽ chọn cách an toàn, không dám thay đổi quyết liệt.

“Khi không hiểu về chuyển đổi số, sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp lo lắng, sợ rủi ro, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Chủ doanh nghiệp sẽ lùi lại, sẽ khó chịu và đặt nhiều câu hỏi tiêu cực”, bà Phi Vân chia sẻ.

Muốn số hóa doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần có một nhân tố dẫn dắt sự thay đổi số. Thông thường, theo kinh nghiệm của bà Phi Vân, 99% nhân tố dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải là chủ doanh nghiệp. Do vậy, lý tưởng nhất là doanh nghiệp phải tìm được một người tin cậy và đặt trọn niềm tin vào người dẫn dắt quá trình thay đổi – đây là một điều vô cùng khó trong xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, khó khăn không kém cho doanh nghiệp SME đó là trong bối cảnh hiện nay, đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Doanh nghiệp nào cũng muốn nhìn một bức tranh toàn cảnh khi thay đổi với những lợi ích ngắn hạn, dài hạn hoặc những khó khăn sẽ chờ đợi doanh nghiệp phải vượt qua. Trong khi đó, một số nhà cung cấp dịch vụ chỉ có thể cung cấp 1 phần của bức tranh chung và chưa thể làm cho doanh nghiệp thỏa mãn để bước qua những trở ngại trong hành trình phía trước. Điều đó càng khiến cho chủ doanh nghiệp dè dặt và không biết nghe ai, không dám mạnh dạn đổi mới.

Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải nhìn được bức tranh tổng thể, có tư duy đúng và cùng với chuyên gia, đội ngũ tìm ra hướng đi căn cơ và lâu dài. Ảnh: TL

50-60% doanh nghiệp bỏ cuộc, vì sao?

Bà Phi Vân nhận xét rằng có một số doanh nghiệp đã rất quyết tâm chuyển đổi số, hào hứng và khí thế lúc đầu thì sau một chặng đường, họ lại có khuynh hướng quay lại điểm xuất phát, quay lại cách làm cũ. Đây là câu chuyện được nhìn thấy ở 50-60% doanh nghiệp do thiếu cam kết và bị “mất năng lượng” khi có nhiều khó khăn xuất hiện.

Do vậy trong hoàn cảnh hiện nay, rất cần doanh nghiệp phải kiên định, cam kết đi theo con đường chuyển đổi số.

“Dù có khó khăn do phải thay đổi, phải từ bỏ cách làm cũ thì cũng phải kiên trì để bước tiếp. Đừng làm gì nửa vời, đã làm là phải làm tới cùng”, bà Phi Vân nhấn mạnh.

Hãy chia sẻ thẳng thắn, nói rõ các mong muốn của doanh nghiệp với đội ngũ, với chuyên gia, với những người giỏi hơn mình, với người dẫn dắt quá trình chuyển đổi… để có được bài toán trong dài hạn lẫn ngắn hạn.

“Giải pháp chuyển đổi số hữu ích là phải ứng dụng được ngay lập tức để hỗ trợ doanh nghiệp mở kênh mới, bán hàng mới, có thêm doanh thu… để doanh nghiệp thấy được lợi ích và có được động lực mới. Song song đó là phải tiếp tục làm các bước bài bản. Phải có giải pháp để doanh nghiệp sống được, tồn tại được rồi hãy tiếp tục từng bước trong hành trình thay đổi, chuyển đổi số”.

Bà Phi Vân nói thêm: Chuyển đổi là một hành trình lâu dài, không phải là chiếc đũa thần tạo ra ngay kết quả ngày một, ngày hai. Do vậy doanh nghiệp nào muốn đi đến hái quả phải biết cách gieo trồng và kiên định mục tiêu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới