4 C
New York
Thứ tư, 4 Tháng mười hai 2024

Buy now

spot_img

Bản tin thị trường – ngày 01/7/2021

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,3 – 56,9 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.774,2 USD/ounce, tăng 13,1 USD, tương đương 0,74% so với chốt phiên trước. Kết thúc tháng 6, giá vàng đã giảm tới 7,6% giá trị, ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ 2016 vì sự thay đổi về lập trường chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.

2/ Infographic: Tình hình xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm

Nguồn: TTXVN

3/ Để thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam, IFC sẽ hỗ trợ Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam nâng cao công suất chăn nuôi heo giống và heo thịt, giúp bảo đảm nguồn cung thịt heo an toàn và chất lượng, đồng thời cải thiện các thông lệ chăn nuôi ở Việt Nam. Theo đó, khoản đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng (tương đương 43 triệu USD) của IFC, dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn 7 năm, sẽ cho phép GREENFEED mở rộng hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Sản lượng heo thịt của Công ty dự kiến sẽ tăng thêm 750.000 con đến năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ cung ứng hơn 125.000 tấn thịt heo mỗi năm, và theo ước tính của IFC sẽ đủ cung cấp cho thêm khoảng 385.000 người tiêu dùng thịt heo.

4/ Các doanh nghiệp cung ứng suất ăn hàng không hiện đang đua “hạ cánh” và đưa sản phẩm tới cửa hàng bán lẻ, khách sạn… khi nhiều máy bay vẫn phải “nằm đất”. Cả năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch, Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) chỉ phục vụ hơn 4,6 triệu suất ăn, giảm khoảng 42,5% so với năm 2019. Do đó, doanh thu của NCS giảm gần 60% xuống 275,2 tỷ đồng. Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng lợi nhuận, đại gia suất ăn hàng không đã lỗ hơn 38 tỷ đồng, vượt kế họach đề ra hơn 18 tỷ. Đây cũng là tình trạng chung của phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này năm vừa qua. Gần đây, công ty TNHH Suất ăn hàng không VINACS Cam Ranh (VINACS) cũng quyết định mở rộng thị trường cung cấp suất ăn hàng không của mình cho các khách sạn có công dân cách ly khi về nước. Singapore Airlines mở nhà hàng trên chính chiếc A380 để thu hút những hành khách lâu không được đi và ăn đồ ăn trên máy bay. Thai Airways cũng đã mở nhà hàng phục vụ mỗi ngày 2.000 suất ăn như trên máy bay.

5/ Báo cáo của Tổ chức phi chính phủ về môi trường Greenpeace ca ngợi nỗ lực của Samsung Electronics khi đã đạt mục tiêu của năm 2020 là sử dụng 100% năng lượng tái tạo ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới này lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng 82% nhu cầu điện năng của mình. Được biết, Hàn Quốc và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tác động môi trường của Samsung vì hai cơ sở sản xuất này chiếm gần 80% mức độ sử dụng năng lượng của cả tập đoàn. Tuy nhiên, hãng lại không đưa 2 quốc gia châu Á này vào mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo năm 2020, một phần vì những hạn chế về nguồn cung và cơ sở hạ tầng.

6/ Luật khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/6 sau khi Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Môi trường và Hành động khí hậu Bồ Đào Nha ký văn bản này. Được biết, luật khí hậu đã được các nước thành viên EU thông qua vào ngày 28/6, đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý của khối này trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Luật cũng quy định vào năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990. Sau khi luật khí hậu được thực thi, vấn đề khí hậu sẽ là trung tâm trong mọi quyết sách của EU, đảm bảo rằng các quy định trong tương lai đều nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự luật cũng yêu cầu EU thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập chuyên đưa ra tư vấn về các chính sách khí hậu

7/ Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới (WB) đã tuyên bố gói tài chính dài hạn trị giá 711 triệu USD cho hãng dược Aspen nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất vaccine cho các nước châu Phi. Cùng tham gia hỗ trợ với IFC còn có Pháp, Đức và một số cơ quan hỗ trợ phát triển của Mỹ. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tính đến tuần trước, mới chỉ hơn 1% dân số châu Phi đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 trong khi nhiều quốc gia ở châu lục này đang gặp khó khăn trong việc đối phó với làn sóng dịch thứ ba do sự lây lan mạnh của các biến thể mới. Theo kế hoạch, một trung tâm sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ được thành lập tại Nam Phi và phải đến năm sau, mới có vaccine phòng Covid-19 do châu Phi sản xuất.

8/ Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận gia hạn 3 tháng thời gian miễn trừ kiểm tra hải quan đối với các sản phẩm thịt chế biến và thịt đông lạnh của Anh vào vùng lãnh thổ Bắc Ireland. Quyết định của EU góp phần xoa dịu những căng thẳng giai đoạn hậu Brexit giữa liên mình này và Anh. Được biết, quyết định lần này hỗ trợ các sản phẩm thịt và xúc xích của Anh được miễn trừ kiểm tra hải quan lên tới 80%. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng đây nên là lần gia hạn sau cùng và quyết định này nhằm hỗ trợ các siêu thị thiết lập nhiều nguồn cung ứng khác nhau sản phẩm thịt hoặc tạo điều kiện để Anh chấp thuận đề xuất của EU về việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đồng nhất với liên minh.

9/ Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Đan Mạch, các hộ gia đình tại nước này hiện giàu nhất Liên minh châu Âu (EU) khi nắm giữ lượng tiết kiệm tiền mặt và lương hưu lớn nhất. Tính theo đầu người, mỗi người dân Đan Mạch hiện nắm giữ tài sản tài chính trị giá khoảng 1,3 triệu Kroner (208.000 USD), cao gấp đôi trung bình tại EU (hơn 52.200 USD). Đây là giá trị tài sản sau khi đã trừ đi các khoản nợ. Theo sau Đan Mạch là Hà Lan, Thụy Điển, Luxembourg và Bỉ. Tính tới cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình tại Đan mạch là 6.453 tỷ Kroner (gần 749 tỷ USD). Ngoài ra, các hộ gia đình Đan Mạch cũng nắm giữ kỷ lục khác khi nằm trong nhóm “nợ nhiều nhất” châu Âu với các khoản vay chủ yếu dưới dạng thế chấp.

10/ Ngày 1/7, chứng chỉ Covid-19, còn gọi là “hộ chiếu vaccine”, áp dụng trên toàn EU nhằm tạo thuận lợi cho đi lại trong nội khối đã bắt đầu chính thức có hiệu lực, đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ Hè. Chứng chỉ covid-19 của EU, cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng, sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vaccine được EU chấp thuận hay chưa (gồm BioNTech / Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới