Chiều 25/2, tại TP Cần Thơ diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2021 dưới sự điều phối và chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ cùng Mạng lưới khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MSN).
Năm 2021, Cuộc thi nhận được tổng cộng 455 ý tưởng và dự án từ 950 thí sinh đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh-thương mại-dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế-chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 191 hồ sơ, lĩnh vực chế biến thực phẩm 103 hồ sơ, các giải pháp kinh doanh-thương mại-dịch vụ với 56 hồ sơ, còn lại phân bổ ở các lĩnh vực khác.
Ban Tổ chức đã chọn 15 dự án tham gia vòng Chung kết Cuộc thi gồm: Mắm chao cá Mè Vinh – An Giang, Me Chua Tách Vỏ Ori – An Giang, Sữa Thực Vật-An Giang, SWIO-4S10-Mobility as a Service-Giải pháp mua vé trực tuyến – An Giang, Cá mào gà Cà Mau-Đậm đà hương vị biển – Cà Mau, Đông trùng hạ thảo Cà Mau-Nâng cao sức khỏe Việt – Cà Mau, HALOFAI-Hương vị từ đất mặn – Cà Mau, Sản xuất được trà-khai thác giá trị dược liệu từ nông sản – Cần Thơ, Công nghệ sinh học HF – Đồng Tháp, Hệ thống điều khiển và giám sát môi trường tích hợp sóng vô tuyến – Đồng Tháp, Nước mắm cá Linh Dì Mười – Đồng Tháp, Son Tươi Bơ Cacao Thanh Nguyên – Đồng Tháp, Mô hình Sản xuất khổ qua rừng theo hướng VietGap cung cấp nguyên liệu chế biến dược liệu – Hậu Giang, Vi tảo xử lý nước thải thủy sản – Đà Nẵng, Viloship – Vĩnh Long.
Các thí sinh tham gia Cuộc thi năm 2021 được đào tạo, huấn luyện các kiến thức về tư duy làm chủ trong thời đại mới, cách thức tìm ý tưởng kinh doanh sáng tạo, lập dự án kinh doanh thông qua các khóa đào tạo, được kết nối tư vấn với các cựu thí sinh, doanh nghiệp địa phương, và sự hỗ trợ tích cực tại địa phương từ thành viên Mạng lưới khởi nghiệp. Đặc biệt, những dự án khả thi vào vòng Chung kết của Cuộc thi qua các năm đều được tư vấn, đầu tư và kết nối đầu ra cho sản phẩm hiệu quả.
Sau Vòng chung kết, VCCI Cần Thơ cùng thành viên Mạng lưới cũng lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kết nối các dự án khởi nghiệp này với các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, nhà đầu tư để tìm nguồn tài chính cũng như tạo điều kiện nuôi dưỡng các dự án hoàn thiện và phát triển sản phẩm, và thị trường.
Với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, tạo cơ hội để các cá nhân, nhóm và doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng kinh doanh, dự án kinh doanh, tìm cơ hội đầu tư từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư… qua đó góp phần thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động, sáng tạo và có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao trong sản phẩm, hoạt động kinh doanh.