7.8 C
New York
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen

ĐTO – Sáng ngày 24/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Tái cơ cấu ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến kết nối với các điểm cầu viện, trường, sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đồng Tháp có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây sen. Những năm qua, tỉnh định hướng trong quy hoạch phát triển sen kết hợp với du lịch theo hướng tập trung, gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch; thực hiện công bố biểu tượng của tỉnh có hình tròn cách điệu hoa sen; xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động trong sản xuất. Một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cây sen như trà lá sen, trà tim sen, sữa sen, mứt sen, nón lá sen… Vì vậy, nhu cầu thu mua hạt sen tươi những năm gần đây tăng trở lại. Năm 2020, diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh đạt 1.252ha, sản lượng gần 1.100 tấn.

Tuy nhiên, ngành hàng sen Đồng Tháp đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế như bộ giống sen còn ít, chủ yếu là giống sen bản địa, sử dụng qua nhiều năm bị thoái hóa; thiếu những mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, đồng bộ, ứng dụng cơ giới hóa; những mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp được khai thác trong nhiều năm nhưng chậm đầu tư, làm mới nên thiếu hấp dẫn với du khách…

Đóng góp cho định hướng phát triển ngành hàng sen, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, để tạo ra tính đột phá cho ngành hàng sen cần tạo ra sản phẩm đặc thù gắn với du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết, tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các viện, trường xây dựng bộ giống sen phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò “4 nhà” trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhất là vai trò của nhà quản lý trong việc đánh giá, định hướng, tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi ngành hàng sen…

Với mục tiêu nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen, Đồng Tháp đề ra các chỉ tiêu phát triển ngành hàng sen đến năm 2025 là đầu tư phát triển vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị kết hợp du lịch trải nghiệm với tổng diện tích đạt 1.400ha; thực hiện trồng tuyển chọn các giống sen tối ưu theo nhu cầu của thị trường; xây dựng và hoàn thiện các mô hình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm. Đồng thời thực hiện xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm; phát triển thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen…


MN – BÁO ĐỒNG THÁP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới