Chiều 11/02/2022, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Thanh Bình đến thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, Cơ sở Muối Sấy Ngọc Yến và mô hình sản xuất lúa của nông dân huyện Thanh Bình.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, nhất là kết quả khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19 và định hướng sắp tới.
Hiện Công ty có 04 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, công suất chế biến 600 – 1.200 tấn nguyên liệu/ngày, 02 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 1.600 tấn thành phẩm/ngày, 01 nhà máy chế biến bột cá, dầu cá. Công ty tạo việc làm cho khoảng 6.500 lao động tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đánh giá cao nỗ lực của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá đã vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình quan tâm, tạo điều kiện để Công ty tuyển dụng công nhân làm việc cho các nhà máy.
Cơ sở Muối Sấy Ngọc Yến (thị trấn Thanh Bình), do ông Huỳnh Văn Bé (sinh năm 1950) làm chủ cơ sở, được vinh danh là Nông dân xuất sắc cả nước năm 2020. Cơ sở sản xuất Muối sấy Ngọc Yến tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, Cơ sở sản xuất 30 tấn muối sấy các loại, lợi nhuận mỗi năm khoảng 16 tỷ đồng, bước đầu sản phẩm đã xuất sang Hàn Quốc.
Bên cạnh sản xuất, kinh doanh sản phẩm muối sấy, Cơ sở Muối Sấy Ngọc Yến còn tích cực đóng góp cho an sinh xã hội tại địa phương như: Giúp đỡ người già, yếu, neo đơn; tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, đóng góp xây dựng cầu, đường v.v.. Năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến dành 03 tỷ đồng để đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn biểu dương tinh thần vì cộng đồng của ông Huỳnh Văn Bé và mong muốn Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến trong năm mới sẽ phát triển lên doanh nghiệp để mở rộng cơ hội kinh doanh hơn nữa.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Bình đến thăm mô hình “Sản xuất lúa áp dụng công nghệ 4.0 gắn liên kết tiêu thụ” của nông dân xã Phú Lợi, với diện tích ban đầu là 20 ha, được 09 hộ nông dân, tại xã Phú Lợi thực hiện.
Hầu hết các khâu trong sản xuất lúa đều được cơ giới hóa, áp dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và lúa truy xuất được nguồn gốc. Năng suất lúa đạt 06 tấn/ha, giá bán vụ Hè Thu 2021 từ 6.000 – 6.600 đồng/kg và liên kết tiêu thụ với Công ty Phương Minh, lợi nhuận trung bình 22,5 triệu đồng/ha. Hiện mô hình được nhân rộng lên 40 ha.
Tại ruộng lúa của nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Phú Lợi), Bí thư Tỉnh ủy được nghe nông dân chia sẻ về cách thức thực hiện 02 vụ lúa – 01 vụ cá trên ruộng. Sản xuất theo phương thức này mang lại hiệu quả cho nông dân, nhờ giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là có thêm nguồn thu nhập từ cá nên lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa 03 vụ liên tục.
Đây cũng chính là mô hình sinh kế thuộc Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười, được tỉnh Đồng Tháp triển khai trong vài năm gần đây, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.