9.2 C
New York
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Huyện Cao Lãnh: Nhiều mô hình hay hỗ trợ người dân trong tình hình Covid-19

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Cao Lãnh là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động tất cả chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình để cung ứng hàng hoá thiết yếu, cũng như hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Cụ thể hơn về các mô hình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh có cuộc trao đổi với ông Lê Chí Thiện – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện/ Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện.

– PV: Những mô hình nào để cung ứng hàng hoá cho người dân trong thời điểm giãn cách được huyện triển khai, thưa ông?

– Ông Lê Chí Thiện: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng như thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội hiện nay, từ ngày 14/7, huyện Cao Lãnh đã cho tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều mô hình, cụ thể như: Thành lập được 55 Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu, với 438 thành viên trải khắp các xã, thị trấn. Đó là những Đội “Shipper áo xanh” của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, cán bộ khóm, ấp và tiểu thương, các hợp tác xã v.v..

Để người dân biết đến các dịch vụ này, huyện chỉ đạo thông tin rộng rãi số điện thoại của Tổ cung ứng, niêm yết giá bán từng mặt hàng qua mạng xã hội Zalo, facebook, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Các Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân và cung ứng đến tận nhà khi người dân có nhu cầu.

Bình quân mỗi ngày, các lực lượng cung ứng cho khoảng 2.000 hộ, với khoảng từ 06 đến 07 tấn hàng hóa thiết yếu (gạo, thịt, cá, trứng, rau, củ, quả các loại, các nhu yếu phẩm cần thiết khác). Ngoài ra, còn hỗ trợ mua thuốc theo đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong và ngoài huyện, từ 130 – 150 đơn thuốc mỗi ngày.

Các tổ chức đoàn thể xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: Thuý Nhi

Song song đó, các ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện còn triển khai nhiều mô hình khác để đảm bảo đời sống của người dân như: Rút tiền mặt thay người dân, Chuyến xe 0 đồng, liên kết tiêu thụ giữa các nhà thiện nguyện thu mua nông sản và chuyển đến người dân v.v..

Thực hiện mô hình Chuyến xe 0 đồng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện và một số địa phương như: Ba Sao, Phương Trà, Tân Nghĩa, Bình Hàng Tây, Gáo Giồng v.v. đã vận động, tiếp nhận lương thực từ các nhà thiện nguyện ủng hộ, vận chuyển, cấp phát hỗ trợ các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, các chốt trực và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận và cấp phát hơn 04 tấn lương thực, góp phần ổn định đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Về mô hình hỗ trợ rút tiền mặt tại nhà, Viettel huyện Cao Lãnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên huyện thành lập Đội hỗ trợ rút tiền mặt, công khai số điện thoại trên Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã để người dân biết, khi có nhu cầu rút tiền mặt thì liên hệ, đội sẽ mang tiền mặt đến tận nhà người dân, người dân sẽ chuyển khoản để trả lại tiền và không mất phí chuyển tiền. Bình quân mỗi ngày hỗ trợ khoảng 100 khách hàng, với số tiền ước khoảng 150 – 200 triệu đồng/ngày.

– PV: Đối với sản xuất, tiêu thụ nông sản, huyện có cách làm nào để hỗ trợ nông dân?

– Ông Lê Chí Thiện: Do thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nên việc người dân di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác để sản xuất, thu hoạch nông sản là rất khó khăn và không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Chính vì vậy, để kịp thời hỗ trợ nông dân, huyện đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập nhanh Mô hình bón phân, phun thuốc và thu hoạch nông sản thay nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 70 tổ, đội bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ cho nông dân, với 206 thành viên để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.

Các thành viên tham gia mô hình này đều được tạo điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. Từ khi thành lập đến nay, các tổ, đội đã hỗ trợ bà con nông dân bón phân, phun thuốc, thu hoạch và tiêu thụ nông sản khoảng 480 ha.

Tổ hợp tác phun xịt ấp 4, xã Phương Thịnh hỗ trợ người dân chăm sóc lúa. Ảnh: Minhchinguyen

– PV: Huyện đã có phương án gì về việc cho các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện hoạt động trở lại sau thời gian khá dài tạm ngừng hoạt động?

– Ông Lê Chí Thiện: Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu xây dựng kế hoạch cho các chợ hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống, chống dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng phương án hoạt động cụ thể đối với từng chợ, phù hợp với tình hình thực tế.

Về cơ bản, huyện đã định hướng cho các xã, thị trấn tổ chức chợ hoạt động theo phương án cho 50% số tiểu thương mua bán/ngày; tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng và đặc biệt phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, thực hiện theo phương châm: Vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đảm bảo mua bán của người dân.

– PV: Đối với các khu cách ly tập trung, khu vực phong toả, huyện có cách làm nào để người dân an tâm thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, cũng như tạo ra “món ăn tinh thần” cho người dân thưa ông?

– Ông Lê Chí Thiện: Chia sẻ với những bất tiện, khó khăn của người dân khi phải cách ly tập trung hay ở những khu vực phong toả để phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn thanh niên huyện đã thực hiện bản tin phát thanh lưu động “Nhịp cầu kết nối yêu thương”, với mong muốn giúp cho người dân nắm được các thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, chia sẻ những lá thư, thông điệp để động viên tinh thần người dân và cả lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bản tin sẽ phát vào lúc 8 giờ 30 phút và 15 giờ 30 phút tại các khu cách ly tập trung và khu vực phong toả.

Ngoài ra, bản tin này còn có chuyên mục quà tặng âm nhạc để giúp cho những người trong khu cách ly, khu phong toả, các lực lượng tuyến đầu giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Ông Lê Chí Thiện (bìa trái) và lãnh đạo Huyện uỷ tại buổi kiểm tra khu vực tổ chức cách ly tập trung.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong (bìa phải) và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang
đề nghị huyện đảm bảo các điều kiện để người dân an tâm cách ly.

Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, tôi rất chia sẻ với người dân về những khó khăn, bất tiện trong thời gian cách ly xã hội. Hơn lúc nào hết, trong lúc này chúng ta hãy đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau thống nhất hành động, đồng hành cùng với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tự giác tuân thủ và chủ động thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế, của chính quyền. Chúng ta hãy quan tâm nhau, bảo ban nhau, bảo vệ cùng nhau trước ảnh hưởng của đại dịch.

Với truyền thống Anh hùng và ý chí tự cường, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, tôi tin tưởng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, cuộc sống người dân sớm ổn định, hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp sẽ trở lại bình thường, kinh tế – xã hội của huyện sẽ tiếp tục phát triển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh – Dongthap Portal

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới