Với những chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI.
Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt và tích cực ở Việt Nam như: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết…. Đặc biệt, đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thể nói, FDI trở thành khu vực kinh tế rất quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Với những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng niềm tin của các nhà đầu tư
Sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Theo đó, với những chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI.
Việt Nam có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI như: an ninh, chính trị ổn định, có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây Bán đảo Đông Dương cùng với các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Không những thế, Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao; chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn từ 45 – 50% so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Cùng với đó, thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện, gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỷ USD. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, nguồn vốn FDI đã hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ô tô – xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Đỗ Nhất Hoàng cho biết, FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội.
Khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp; trong đó, có nhiều lao động đã được đào tạo và tiếp cận với trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến của thế giới.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, có thể lấy Tập đoàn Samsung làm ví dụ cho sự đóng góp của khu vực này. Đến nay, Tập đoàn này đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện, Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên…
Thu hút FDI còn góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong phòng, chống đại dịch COVID-19. “Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tiếp tục giữ lợi thế, tận dụng cơ hội
Với những thuận lợi kể trên dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, nhưng những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 là rất đáng ghi nhận.
Chỉ tính riêng trong 5 tháng năm 2021, mặc dù, vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh (không kể góp vốn mua cổ phần) vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: vốn đăng ký mới đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, vốn đăng ký mới tăng từ 2,2 triệu USD/dự án lên 14,4 triệu USD/dự án; vốn đăng ký điều chỉnh tăng từ 7,9 triệu USD/dự án lên trên 11,3 triệu USD/dự án. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong 5 tháng đầu năm ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
“Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ”, bà Hương cho biết.
Trước những “cơ hội vàng” của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Theo đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó, để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI; trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ban hành quyết định bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, ban hành kèm 65 bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện.
“Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
https://bnews.vn/vi-sao-viet-nam-la-thoi-nam-cham-thu-hut-dau-tu/201548.html